Đây là lần đầu tiên một tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu cập cảng biển Việt Nam.
Dùng 4 tàu lai công suất lớn, cẩn trọng lựa chọn hoa tiêu
Tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp) vừa chở 70.000 tấn LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) trị giá khoảng 830 tỉ đồng từ cảng Bontang (Indonesia) cập hệ thống kho cảng LNG Thị Vải, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) ngày 10/7.
Đây là lần đầu tiên một tàu chở LNG nhập khẩu cập cảng biển Việt Nam. Dự kiến, tàu sẽ dừng lại tại cảng khoảng 8 ngày để thực hiện bơm khí vào các bồn chứa.
Tàu Maran Gas Achilles tiến vào kho cảng LNG Thị Vải. Ảnh: PV GAS.
Công tác bảo đảm an toàn hàng hải cũng được nâng cao, đặc biệt do tính chất đặc thù của loại hàng năng lượng thuộc hàng dễ cháy, nổ.
Để đón tàu an toàn là sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan từ lực lượng chức năng như Cục Hàng hải VN, các cảng vụ hàng hải tới các doanh nghiệp, chủ cảng, chủ tàu…
Các đơn vị liên quan đã phải lên phương án bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu chở hàng LNG có trọng tải trên 60.000 DWT đến 100.000 DWT, với những tính toán kỹ lưỡng từ điều kiện khí tượng thủy văn tới các vấn đề liên quan như hoa tiêu, tốc độ tàu hành trình trên luồng, vị trí quay trở, tốc độ và góc tàu cập cầu…
Trong đó, quy định rõ tàu phải sử dụng tối thiểu 4 tàu lai Azimuth có công suất tối thiểu mỗi tàu lai là 4.000 mã lực. Các tàu lai phải buộc dây, hỗ trợ tàu chở hàng LNG từ cặp phao báo hiệu hàng hải số 21, 22 tới cảng và ngược lại.
Đặc biệt, hoa tiêu dẫn tàu được ưu tiên lựa chọn là hoa tiêu đã tham gia thực hành mô phỏng dẫn tàu chở hàng LNG. Các kịch bản khi tàu vào, rời cảng cũng được lên để sẵn sàng các phương án trong trường hợp xảy ra tình huống.
Thậm chí, phương án bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu chở hàng LNG còn tính toán cả số lượng dây neo buộc tàu cập cầu với yêu cầu tối thiểu là 18 dây.
Ngoài ra, khi phương tiện ra vào cảng, lực lượng chức năng và các đơn vị liên quan cũng được yêu cầu bố trí một ca nô để cảnh giới, dẹp luồng.
Chủ cảng cũng được yêu cầu trong quá trình khai thác tiếp nhận tàu phải tổ chức thực hiện quan trắc chuyển vị cầu tàu thường xuyên, cũng như thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của bích neo, đệm tựa tàu, tiến hành sửa chữa hoặc thay thế ngay khi hư hỏng để bảo vệ kết cấu cầu cảng khi tàu neo cập làm hàng. Đặc biệt, theo dõi kết cấu cầu cảng để kịp thời phát hiện các vết rạn, hư hỏng trên kết cầu sàn, dầm, cọc.
Điều tiết phương tiện trên luồng, giữ khoảng cách và tốc độ an toàn
Cần phải nói rằng, LNG là mặt hàng dễ cháy nổ nên phương án bảo đảm an toàn hàng hải cũng thắt chặt trong việc cảnh giới.
Trong đó, các đơn vị liên quan đã phải bố trí một tàu lai Azimuth (có trang bị hệ thống chữa cháy) trực trong suốt thời gian tàu làm hàng tại cảng.
Phương tiện này còn có trách nhiệm cảnh giới, không cho các phương tiện không có nhiệm vụ tiếp cận vào vùng nước của cảng. Đồng thời, phối hợp trao đổi thông tin với trạm kiểm soát lưu thông trên biển (VTS), hoa tiêu dẫn tàu hành hải qua khu vực cảng giữ tốc độ và khoảng cách an toàn.
Ngoài ra, phương tiện này cũng phải cảnh giới để không sử dụng nguồn nhiệt ở dạng lửa trần và phối hợp hỗ trợ trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Theo đại diện Cục Hàng hải VN, để đảm bảo an toàn cho tàu chở hàng LNG ra vào cảng, lực lượng chức năng phải phối hợp với các doanh nghiệp liên quan để điều tiết các phương tiện hành trình trên luồng giữ khoảng cách và tốc độ an toàn đối với tàu chở hàng LNG, cũng như hỗ trợ giám sát, khuyến cáo, cảnh báo an toàn trong suốt quá trình tàu quay trở, vào, rời cảng.
Trong đó, đội ngũ các công ty hoa tiêu còn có trách nhiệm chỉ đạo các hoa tiêu dẫn tàu có trọng tải lớn giữ khoảng cách an toàn và tốc độ an toàn với tàu chở hàng LNG khi dẫn tàu trên luồng hay qua khu vực Cầu cảng Xăng dầu Petec Cái Mép, với khoảng cách an toàn khi tàu qua khu vực Cầu cảng Xăng dầu Petec Cái Mép là 215 m từ tuyến bến đến mạn tàu gần nhất.
Theo nguồn: Báo giao thông