Sở hữu nhiều lợi thế riêng, được quy hoạch để trở thành cụm cảng trung chuyển hàng hoá quốc tế, Cái Mép-Thị Vải đã được ưu tiên đầu tư khá bài bản trong thời gian qua. Tuy nhiên, để thực sự trở thành cửa ngõ hàng hoá của Việt Nam và khu vực, thì cụm cảng này cần được tiếp tục đầu tư hạ tầng, tăng kết nối với các địa phương trong vùng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát hoạt động của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải
Ngày 23/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đi kiểm tra hoạt động của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tham gia đoàn công tác có Trung tướng Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, lãnh đạo các Bộ: GTVT, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trên địa bàn có 57 dự án cảng biển được quy hoạch, đã đưa vào khai thác 28/57 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD; tổng công suất khoảng 98,9 triệu tấn/năm, tổng chiều dài cầu bến là 11,6 km.
Riêng khu vực Cái Mép-Thị Vải có 35 dự án quy hoạch, hiện đã đưa vào khai thác 17 dự án, gồm 7 bến cảng container, 3 bến cảng chuyên dụng xăng dầu và 7 cảng tổng hợp, hàng rời, với tổng công suất khoảng 93 triệu tấn/năm.
Các cảng container tại Cái Mép-Thị Vản được đầu tư trên 27.000 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2009 với tổng công suất trên 6,8 triệu TEUs/năm, tổng chiều dài cầu bến 4 km.
Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải hiện là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ chở contaner đi thẳng châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ ba. Hằng tuần, có 20 chuyến tàu mẹ tải trọng trên 80.000 DWT, trong đó có 2 chuyến có kích cỡ trên 160.000 DWT. Đây là một trong những tàu container lớn nhất thế giới và cũng là cỡ tàu lớn nhất từng cập cảng Việt Nam.
Phó Thủ tướng nghe báo cáo về cụm cảng tổng hợp Thị Vải
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, lượng hàng xuất khẩu trực tiếp qua hệ thống cảng biển của tỉnh trong 5 năm qua tăng bình quân khoảng 16%/năm, trong đó hàng container tăng 17%/năm. Tuy vậy, mức tăng trưởng này vẫn chưa phát huy được hiệu quả của cảng Cái Mép-Thị Vải.
Hiện tại, hệ thống giao thông kết nối nội vùng mới chỉ có đường 965 kết nối với Quốc lộ 51 và một vài tuyến trục khu công nghiệp. Đường Phước Hoà-Cái Mép và đường 991B mới chỉ có kế hoạch triển khai xây dựng nhưng đang gặp khó khăn về vốn. Đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải đang được triển khai xây dựng. Về luồng hàng hải, tuy là luồng duy nhất đủ điều kiện đón tàu container đi trực tiếp châu Âu, châu Mỹ nhưng luồng Vũng Tàu-Thị Vải vẫn chưa được nạo vét theo đúng quy hoạch.
Trên cơ sở thực trạng nêu trên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề xuất Trung ương sớm hoàn thành đường cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu kết nối cảng Cái Mép-Thị Vải với các tiểu vùng trọng điểm kinh tế phía nam. Bên cạnh đó là các công trình cầu Phước An để kết nối đường liên cảng qua Đồng Nai vào đường cao tốc Bến Lức- Long Thành vào khu Nhơn Trạch (Đồng Nai); đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải giai đoạn 1; đường 991B.
Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục triển khai nạo vét luồng Vũng Tàu-Thị Vải theo đúng chuẩn tắc luồng đã được thiết kế là 14 m, tiếp tục nghiên cứu nạo vét luồng đến chuẩn tắc 16 m để đón các tàu container trọng tải lớn.
Tại cuộc làm việc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cảng Cái Mép-Thị Vải cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu lại quy hoạch cảng biển nhóm 5, đề ra các giải pháp vĩ mô về điều tiết luồng hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá hiện đang phải trung chuyển nhằm hạn chế việc phải trung chuyển qua nước thứ 3 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước nói chung.
Để cảng Cái Mép-Thị Vải phát triển bền vững, thực hiện được vai trò là cửa ngõ trung chuyển lớn nhất cả nước, Phó Thủ tướng yêu cầu phải sớm cập nhật, bổ sung quy hoạch đã có một cách cầu thị
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cụm cảng Cái Mép-Thị Vải là cảng trung chuyển hàng hoá quốc tế lớn, đặc biệt quan trọng, góp phần hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển KTXH của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, của cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Theo Phó Thủ tướng, việc hệ thống cảng biển được ưu tiên đầu tư, với công nghệ và trang thiết bị hiện đại đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao năng lực bốc dỡ hàng hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ GTVT, lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã thực hiện đầu tư cảng và các công trình phụ trợ theo quy hoạch, tạo cơ sở quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển. Phó Thủ tướng cũng biểu dương và đánh giá cao hai nhà đầu tư lớn là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và cảng quốc tế Cái Mép (CMIT).
Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc đầu tư, khai thác, tổ chức hoạt động của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải còn nhiều điểm hạn chế, chưa hoàn thiện, đặc biệt là hạn chế về quy hoạch, hạ tầng giao thông. Quy hoạch cụm cảng chưa hoàn thiện, thống nhất. Việc đầu tư chưa tuân thủ quy hoạch, còn phân tán, dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm, thiếu đồng bộ. Giao thông chưa đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng, hạn chế, chưa kết hợp được nhiều phương thức vận tải, ngay kết nối ngay nội bộ cảng cũng còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý vận tải, bốc dỡ, giao nhận hàng hoá còn chưa hiện đại, hệ thống dịch vụ logistic còn hạn chế, đơn giản.
Phó Thủ tướng cho rằng nguyên nhân căn bản của những hạn chế nêu trên là việc quy hoạch chưa được thực hiện tốt, nhưng quan trọng hơn là “chưa có một nhà quản lý chung, một nhạc trưởng cho cả cụm cảng biển để tổ chức quản lý thống nhất trong kiểm soát thực hiện theo quy hoạch, lập kế hoạch đầu tư phát triển phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của địa phương, vùng và cả nước”.
Bộ GTVT không thể “bao” hết được. Có thể nghiên cứu áp dụng mô hình BQL khu công nghiệp để điều hành, kết nối, tháo gỡ khó khăn, cùng phát triển, Phó Thủ tướng nói thêm. Việc nghiên cứu, hoàn thiện đề án, thực hiện thí điểm mô hình cơ quan quản lý cụm cảng được Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Để cảng Cái Mép-Thị Vải phát triển bền vững, thực hiện được vai trò là cửa ngõ trung chuyển lớn nhất cả nước, Phó Thủ tướng yêu cầu phải sớm cập nhật, bổ sung quy hoạch đã có một cách cầu thị.
“Nếu thấy bất hợp lý thì phải điều chỉnh. Quan trọng nhất là quy hoạch có phù hợp với tình hình phát triển KTXH, có thúc đẩy phát triển hệ thống cảng, đáp ứng yêu cầu đề ra hay không. Điều chỉnh quy hoạch lấy phát triển bền vững làm mục tiêu số 1”, Phó Thủ tướng nói.
Yêu cầu điều chỉnh quy hoạch cũng được đặt ra với Bộ GTVT nhằm tránh áp lực lên hệ thống đường bộ quá lớn, đồng thời bảo đảm kết nối giữa hệ thống sân bay, cảng biển, cửa khẩu… Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải có kết nối hạ tầng trong và ngoài cảng, huy động vốn xã hội để tăng cường kết nối giữa cụm cảng Cái Mép-Thị Vải với TPHCM và các địa phương trong vùng.
Phó Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Trả lời kiến nghị của địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành chức năng nâng cao chất lượng luồng lạch để tàu ra vào thuận lợi, đồng thời nghiên cứu để nạo vét, bảo đảm độ sâu của luồng, mục tiêu tiếp cận được tàu 200.000 tấn trong tương lai.
Đối với các nhà đầu tư trong cụm cảng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tránh tình trạng đầu tư dư thừa nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Các đơn vị cũng cần quản lý chặt chẽ cơ cấu hàng hoá bốc dỡ, từ đó đưa ra những phương án đầu tư hiệu quả.
Nguồn: Baochinhphu.vn