Khảo sát vịnh Vân Phong, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam và các chuyên gia đều cho rằng xây dựng cảng Vân Phong đa năng là phù hợp với thực tế
Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, Cục Hàng hải Việt Nam đã thảo luận về những đề xuất sửa đổi vùng nước cảng biển và bổ sung khu neo đậu tàu; quy hoạch cảng biển chi tiết trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Cục hàng hải Việt Nam đã thông qua báo cáo đề xuất sửa đổi vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh và Đề án rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gồm: Cảng biển Nha Trang; Cảng biển Cam Ranh và Cảng biển Vân Phong.
Theo đó, dự kiến Cảng biển Cam Ranh sẽ mở rộng giới hạn đường biển thiết lập mới 5 khu neo đậu tàu. Cụ thể vùng neo đậu J dành cho tầu có tải trọng đến 50.000DWT; Vùng neo đậu D1 dành cho tải trọng đến 30.000DWT: Vùng neo đậu D2, giành cho tàu có tải trọng đến 5.000DWT; Vùng neo đậu I dành cho tàu có tải trọng đến 8.000DWT; Vùng neo đậu I1 dành cho tàu có tải trọng đến 3.000DWT…
Cảng biển Vân Phong sẽ thiết lập mới 6 khu neo đậu. Khu A, dành cho tàu ra vào bến cảng Hòn Khói; Khu B dành cho tàu ra vào cầu cảng thuộc dự án cảng phân phối xi măng Nghi Sơn, kết hợp dùng chung cho các tàu đến nhà máy Huynhdai Vinashin và kho dầu ngoại quan Vân Phong; Khu F dành cho các tàu đến khu vực Đầm Môn, và tàu chở thiết bị công trình thi công cảng Trung chuyển container; Khu vực G, là khu neo phía bắc vịnh Vân Phong, dành cho các tàu đến cảng Trung chuyển container hoặc layup; Khu H, là khu neo đậu phía nam vịnh Vân Phong, dành cho các tàu có tải trọng lớn đến kho dầu Ngoại quan Vân Phong, khu chuyển tải quặng, Nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong và nhà máy nhiệt điện Sumitomo-Hanoco; Khu vực I, dành cho tàu thuyền ra vào cầu cảng nhà máy tàu biển Huynhdai-Vinashin.
Thị sát tại vịnh Vân Phong, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cụ Hàng hải Việt Nam, cho biết: “Với cảng Vân Phong, Cục Hàng hải Việt Nam đang xây dựng kế hoạch tham mưu cho Bộ GTVT trình Chính phủ chuyển đổi từ mục tiêu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế, thành xây dựng cảng đa năng hiện đại. Như vậy, cảng Vân Phong sẽ đáp ứng nhu cầu tàu thuyền ra vào trong nước và khu vực và tương lai vẫn đáp ứng được chức năng chung chuyển quốc tế”.
Riêng Cảng biển Nha Trang từng bước chuyển đổi công năng thành khu đầu mối du lịch biến động hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế đến 10 vạn GRT và tàu khách nội địa Bắc – Nam. Ngoài ra còn thông qua báo cáo rà soát, cập nhật quy hoạch chi tiết Cảng trung chuyển Quốc tế Vân Phong…
Phấn đấu đến năm 2015, cảng Nha Trang hoàn toàn là cảng du lịch chứ không còn là cảng
Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết: “Việc khảo sát quy hoạch lại vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa với mục tiêu kết nối nhóm cảng biển số 4 là cảng Vân Phong- Nha Trang- Cam Ranh và Trường Sa, là một hệ thống cảng biển liên kết chặt chẽ với nhau, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu vận chuyển hàng hải hiện tại và tương lai không những trong nước mà vươn ra khu vực và thế giới”.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Đức Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất với chủ trương điều chỉnh quy hoạch, mở rộng ranh giới cảng biển của Cục Hàng hàng hải Việt Nam. Tuy nhiên, đối với những vị trí cụ thể mở rộng khu neo đậu tàu, thuyền, sau khi có hồ sơ chi tiết tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành có góp ý chi tiết, cụ thể hơn.
Ngoài ra, việc quy hoạch Cảng biển Nha Trang, đối với xu thế phát triển hiện nay, lượng khách thông qua cảng nhiều mà vẫn để cảng trung chuyển hàng hóa là rất khó cho sự đầu tư phát triển của tỉnh. Vì vậy, trong lộ trình điều chỉnh Cảng biển Nha Trang, Cục Hàng hải Việt Nam sớm kết thúc lộ trình vận chuyển hàng hóa vào cảng; đồng thời xem xét việc chuyển thành cảng du lịch.
Đối với việc phát triển Khu kinh tế Vân Phong, Chính phủ đã thống nhất phát triển theo hướng Khu kinh tế tổng hợp đa ngành; trong đó có Cảng biển Vân Phong. Vì vậy, Cục Hàng hải Việt Nam khi xem xét tính chất, cần có lộ trình đầu tư phù hợp với tình hình phát triển chung. Ngoài ra, đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam quan tâm cho tỉnh một số cảng chuyên dùng ở các vị trí như: Mỹ Giang; Ninh Thủy; Dốc Lết; Đầm Môn…
Văn Tư