Chiều nay (5/8), Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy vận tải thủy nội địa vùng Đồng bằng sông Hồng dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Tham dự hội nghị có các Thứ trưởng: Trương Tấn Viên, Lê Đình Thọ, Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, đại diện các Bộ, Ngành liên quan, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT, lãnh đạo UBND các tỉnh thành phố đồng bằng sông Hồng, lãnh đạo các Sở GTVT, các Tổng công ty, Cảng, Hợp tác xã…
Thứ trưởng Trương Tấn Viên phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trương Tấn Viên khẳng định thời gian qua, Bộ GTVT đã triển khai nhiều nội dung công việc như xây dựng các quy hoạch vận tải sông pha biển, bổ sung, sửa đổi, ban hành các văn bản QPPL… để điều chỉnh, đẩy mạnh sự phát triển của vận tải thủy nội địa. Tuy vậy, vận tải thủy nội địa vẫn chưa có nhiều chuyển biến, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, bên cạnh đó, nhiều tiềm năng cũng chưa được khai thác hết, dẫn đến thị phần vận tải đường thủy nội địa so với các loại hình vận tải khác còn thấp. Sau Hội nghị phát triển vận tải thủy ở đồng bằng sông Cửu Long tại Thành phố Cần Thơ hôm 21/7, Thứ trưởng mong rằng, Hội nghị hôm nay là cơ hội để các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp vận tải thủy trong khu vực bàn về vấn đề kết nối vận tải thủy, cùng thảo luận, đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những rào cản, thúc đẩy phát triển vận tải thủy nhằm tận dụng triệt để loại hình vận tải chi phí rẻ, vận tải được khối lượng lớn, chặng đường dài đồng thời đảm bảo về an toàn giao thông cũng như môi trường. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh các giải pháp đưa ra nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có, vận dụng các cơ chế chính sách, tổ chức lực lượng, sự phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị nhằm đẩy mạnh phát triển vận tải thủy trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Trần Văn Cừu đã trình bày báo cáo tóm tắt về vận tải thủy Đồng bằng sông Hồng. Theo đó, tuyến luồng đường thủy nội địa khu vực Đồng bằng sông Hồng bao gồm 3 hành lang đường thuỷ và 7 tuyến vận tải thủy kết nối. Tính đến năm 2013 hiện có 1.109 cảng, bến thủy nội địa, năng lực thông qua của 1.109 cảng, bến là 102 triệu tấn/năm; có cảng thủy nội địa cho phép tiếp nhận tàu trọng tải đến 3.000 tấn (cảng Ninh Phúc). Trên địa bàn 14 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh trung du phía Bắc có hoạt động vận tải thủy, tính đến tháng 12/2013 có tổng số 25.425 phương tiện; tổng công suất là 2.369.105cv; tổng trọng tải 5.072.383 tấn phương tiện; độ tuổi bình quân 15,06 năm. Khối lượng vận chuyển hàng hoá trong giai đoạn 2008-2013 vùng Đồng bằng sông Hồng được thông qua 3 tuyến hành lang đường thuỷ nội địa do các Trạm quản lý đường thủy nội địa đếm tại các mặt cắt năm 2013 tăng trưởng 1,6%, khối lượng vận chuyển 60.874.767 tấn/năm.
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trình bày báo cáo
Theo Cục Đường thủy nội địa, thời gian qua, tuyến vận tải thủy nội địa đã được cải thiện, về chuẩn tắc luồng (chiều rộng, chiều sâu, bán kính cong) đáp ứng được cho phương tiện thuỷ có trọng tải (400-600) tấn vận chuyển hàng lên đến Tuyên Quang, Hoà Bình; các tàu có trọng tải từ (800-1500) tấn đã cập cảng nhà máy xi măng Phúc Sơn, Hoàng Thạch, Chinfon. Cảng thủy nội địa với số lượng nhiều nằm dọc trên các tuyến sông kênh và có khả năng kết nối với các phương thức vận tải đường biển, đường sắt, đường bộ tạo thành hệ thống vận tải đồng bộ, liên hoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Tàu tự hành chiếm tỷ lệ cao về số lượng phương tiện thông qua tuyến, tốc độ quay vòng nhanh, gọn nhẹ đơn giản trong bảo quản và vận hành, đồng thời phù hợp với điều kiện địa hình, luồng lạch. Vận tải thủy là vận tải liên tục có khối lượng lớn, chở hàng siêu trường, siêu trọng giá thành vận tải thấp, chất lượng vận tải đảm bảo…
Ông Trần Văn Cừu cũng đưa ra những bất cập trong vận tải thuỷ nội địa, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa gồm: Phát triển hạ tầng đường thủy nội địa, mở rộng cảng bến thuỷ nội địa; Phát triển đội tàu theo hướng đa dạng, có cơ cấu hợp lý; Phát triển thị trường vận tải tăng cường mở rộng các luồng hàng vận tải hàng hoá, vận tải hành khách truyền thống, kết nối vận tải thuỷ thành mạng lưới liên thông giữa các vùng vận tải lớn (phía Bắc và phía Nam) và liên kết với miền Trung thông qua việc đầu tư vào hoạt động vận tải sông – biển trên tuyến ven biển đồng thời hoàn thiện chính sách quản lý, thu hút nguồn vốn, đổi mới tổ chức vận tải; nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng các thành phần tham gia kinh doanh vận tải, chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hoá, chuyên môn hoá ngành nghề, phát triển nguồn nhân lực, phát triển mạnh vận tải đa phương thức, logistics… Báo cáo cũng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ, Ngành, các doanh nghiệp về các giải pháp thúc đẩy phát triển vận tải thủy trong thời gian tới.
Đông đảo các đại biểu tham dự Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe tham luận Đánh giá thị trường vận tải thủy nội địa và các kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh vận tải thủy của Tổng công ty Vận tải thủy; Đánh giá hoạt động của cảng, bến thủy nội địa và khả năng kết nối các phương thức vận tải tại cảng của Cảng Việt Trì; Kinh nghiệm trong công tác vận tải thủy nội địa, thuận lợi và khó khăn, đề xuất, kiến nghị các giải pháp của Hợp tác xã Vận tải Trung Hải… Lãnh đạo UBND các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Đại học Hàng hải Việt Nam…cũng có tham luận trình bày thực trạng cũng như các giải pháp nhằm thúc đẩy vận tải thủy nội địa vùng Đồng bằng sông Hồng.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh cần tập trung nâng cao quan điểm nhận thức về phát triển đường thủy nội địa nhằm góp phần tái cơ cấu lại ngành GTVT, tái cơ cấu lại các phương thức vận tải, góp phần tạo ra thị trường vận tải lành mạnh, phát triển hài hòa các phương thức vận tải, giảm chi phí vận tải, đem lại hiệu quả tối đa cho các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Trước đó, Hội nghị phát triển vận tải thủy ở Đồng bằng sông Cửu Long đã dành được sự quan tâm của đông đảo các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp. Bộ GTVT đã và đang giải quyết những vấn đề đặt ra trong Hội nghị, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề vướng mắc trong việc phát triển vận tải thủy nội địa.
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu kết luận Hội nghị
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị cần tập trung triển khai Luật Đường thủy nội địa mới được Quốc hội thông qua đồng thời triển khai các Nghị định, Thông tư… tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thúc đẩy phát triển vận tải thủy, tạo ra thể chế chính sách, thu hút các nguồn lực, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy cũng như phát triển các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa. Đồng thời, tập trung cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư của ngành GTVT, phân bổ nguồn lực một cách hài hòa, tránh tình trạng đầu tư mất cân đối; Cần xếp thứ tự ưu tiên, đầu tư các luồng tuyến, công bố các luồng tuyến mới, gắn đường thủy nội địa với hàng hải. Bộ GTVT cần xử lý các vấn đề chồng chéo nhằm thúc đẩy đường thủy nội địa và hàng hải cùng phát triển. Bộ sẽ khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất những chủ trương, cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải cũng như các doanh nghiệp cảng, tạo ra cơ chế thu hút đầu tư nguồn lực xã hội hóa các cảng thủy nội địa cũng như công tác nạo vét và đầu tư xây dựng; Tập trung phê duyệt các đề án, dự án phát triển hài hòa các phương thức vận tải của cả nước cũng như từng luồng tuyến, công bố các luồng đường thủy nội địa. Bộ sẽ tạo cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chủ động liên kết giữa các chủ hàng, tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực; nâng cấp các cảng thủy nội địa, hệ thống kho tàng, bến bãi, các phương tiện vận tải, phát triển vận tải logistic…
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc đầu tư phát triển và thúc đẩy phát triển đường thủy nội địa nằm trong chiến lược tái cơ cấu ngành GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là nhiệm vụ quan trọng và trọng tâm. Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan liên quan cùng với Bộ GTVT tập trung triển khai thực hiện tạo ra thị trường vận tải hiệu quả tất cả các phương thức, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả nền kinh tế; phát huy được lợi thế của địa phương, tạo được thị trường vận tải mới, tạo giá cước vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải./
Nguồn: Website Bộ GTVT