Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 vào khoảng trên 350.000 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi năm sẽ cần chi hơn 50.000 tỷ đồng để đạt mục tiêu đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,2 – 4,8%/năm.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan để hoàn thiện dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo dự thảo, mục tiêu đến năm 2030 hệ thống cảng biển sẽ đáp ứng lượng hàng hóa thông qua từ 1.326 – 1.604 triệu tấn; trong đó hàng container từ 46,3 – 54,3 triệu TEUs (Twenty-foot equivalent unit – đơn vị đo lường trong vận tải đường biển), hành khách từ 17,4 – 18,8 triệu lượt khách, lượng hàng trung chuyển container quốc tế dự kiến khoảng 4,34 triệu TEUs.
Cũng theo dự thảo, hệ thống cảng biển Việt Nam gồm 2 cảng đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng Bà Rịa – Vũng Tàu và 15 cảng biển loại I bao gồm các cảng: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An và Trà Vinh. Trong số này, các cảng biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.
6 cảng biển loại II là các cảng: Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hậu Giang, Đồng Tháp. 13 cảng biển loại III gồm các cảng: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Riêng cảng biển Sóc Trăng được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề cập đến việc nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp để từng bước phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) cũng như định hướng phát triển bến cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) phục vụ đồng bằng sông Cửu Long, để triển khai đầu tư khi có đủ điều kiện.
Cũng theo dự thảo, Bộ GTVT ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 vào khoảng trên 350.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn huy động chủ yếu từ các nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp cũng như huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác. Vốn ngân sách được tập trung lo cho hạ tầng hàng hải công cộng, các khu vực trọng điểm nhằm tạo sức lan tỏa, thu hút đầu tư.
Về tầm nhìn đến năm 2050, dự thảo hướng tới phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh, đáp ứng đầy đủ, hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Hệ thống cảng biển làm trụ cột chính có vai trò động lực, dẫn dắt, phát triển thành công kinh tế hàng hải, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh và nước phát triển, thu nhập cao.
Trước đó, ngày 22/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định này, hệ thống cảng biển Việt Nam chia làm 5 nhóm với 36 cảng biển (không có cảng trung chuyển Cần Giờ). Tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng, chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Nguồn: Tạp chí Thị trường