Dự án nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh do Liên danh PV Power-Colavi_Tokyo Gas- Marubeni là chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích khoảng 56ha tại phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả). Quy mô đầu tư xây dựng gồm: Nhà máy điện khí LNG công suất 1.500MW; 1 bến nhập LNG cho tàu trọng tải 71.500DWT; 2 kho chứa LNG công suất 100.000m3/kho cùng hệ thống tái hóa khí. Kết nối giữa bến cập tàu và kho chứa LNG là tuyến ống dẫn LNG lỏng dài khoảng 3,0km.
Việc triển khai đấu nối nhà máy với hệ thống lưới điện quốc gia bằng tuyến đường dây 500kV xây dựng mới dài khoảng 30km từ nhà máy đến trạm 500kV Quảng Ninh tại xã Thống Nhất (TP Hạ Long). Tổng mức đầu tư của nhà máy dự kiến 47.480 tỷ đồng (tương đương 1.998 triệu USD).
Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được thiết kế sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp có hiệu suất cao trên 62%, được chế tạo bởi các nhà sản xuất tua bin khí hàng đầu trên thế giới như: GE(Mỹ), Siemens (Đức), Mitsubishi (Nhật Bản)… Đồng thời, Nhà máy sẽ sử dụng khí nhiên liệu hóa lỏng nhập khẩu với lượng tiêu thụ khoảng 1,5 triệu tấn/năm, đây là loại nhiên liệu sạch, góp phần đảm bảo giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Ảnh phối cảnh dự kiến của Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh.
Vị trí xây dựng cảng và tuyến đường ống
Với kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm thực hiện các dự án tại khu vực Quảng Ninh nói chung và Thành phố Cẩm phả nói riêng, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Cảng- Đường thủy đã được chọn là đơn vị tư vấn chuyên ngành các hạng mục công trình thuỷ công cho Nhà máy. Dịch vụ tư vấn bao gồm: Lập báo cáo đề xuất đầu tư, báo cáo bổ sung quy hoạch điện 7 điều chỉnh , báo cáo NC tiền khả thi và báo cáo phương án vận tải LNG, báo cáo nghiên cứu khả thi và các báo cáo chuyên ngành khảo sát địa hình, khảo sát địa chất, khảo sát âm địa chấn…
Đo lưới khống chế mặt bằng đường chuyền cấp 2
Đo vẽ bình đồ trên cạn
Cho đến nay, dự án đã được Thủ tướng chính phủ chấp nhận chủ trương đầu tư và đã được bổ sung vào quy hoạch, công tác khảo sát và lập Báo cáo tiền khả thi đã xong. Hiện TEDIPORT đang khẩn trương hoàn thiện bước Thiết kế cơ sở cho các hạng mục công trình chuyên ngành.
Tin và bài: Phòng KT-NCPT