Hàn Quốc được biết đến là một quốc gia phát triển có mức sống cao, có nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á và thứ 15 trên thế giới. Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, tập trung vào các ngành hàng công nghiệp như điện tử, ô tô, tàu biển, lọc hóa dầu… Đây cũng là một đất nước có cơ sở hạ tầng GTVT rất phát triển. Với đặc trưng địa hình 2/3 diện tích là đồi núi nhưng hệ thống đường bộ nơi đây rất thuận tiện với nhiều tuyến đường cao tốc xuyên hầm và những cây cầu vượt biển nổi tiếng. Về đường sắt phải kể đến tuyến đường sắt cao tốc KTX (Korea Train eXpress) có vận tốc lên tới 300km/h rút ngắn khoảng cách từ thủ đô Seoul đến thành phố cảng Busan chỉ còn hơn 2 giờ tàu. Về vận tải đường biển không thể không nhắc tới Busan New Port một cảng biển nổi tiếng của Hàn Quốc. Đây là cảng container lớn thứ năm trên thế giới và là cảng trung chuyển lớn nhất khu vực đông bắc Á.
Nhằm tạo điều kiện học hỏi, nâng cao sự hiểu biết, mở rộng tầm nhìn cho các kỹ sư trong Công ty, đầu tháng 10 năm 2015 TEDIPort đã tổ chức một đoàn cán bộ chủ chốt và các kỹ sư có kinh nghiệm đi tham quan, học tập tại Hàn Quốc. Hành trình của đoàn là các điểm đến gắn với các công trình cảng, đường thủy như thành phố mới Gusan (có đê biển Saemangeum), thành phố cảng Busan và một vài điểm du lịch nổi tiếng khác của Hàn Quốc như đảo Jeju, đảo Nami…
Ảnh : Đoàn đã đến thành phố Gusan và đi thăm đê biển Saemangeum
Đê biển Saemangeum bao quanh một vùng biển có diện tích 401 km2 – bằng khoảng 2/3 diện tích thành phố Seoul. Với chiều dài 33,9 km, nó trở thành con đê biển dài nhất thế giới đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2010. Nhờ có đê biển những bãi lầy và vùng đất ngập mặn sẽ được san lấp, cải tạo, tạo quỹ đất để phát triển các ngành công nghiệp sạch, du lịch sinh thái và nông nghiệp.
Thời điểm hiện tại một phần đất đai rộng lớn đã được san lấp phía trong đê. Khách sạn mà đoàn dừng chân qua đêm cũng là khách sạn vừa được xây dựng trên nền đất mới được lấn biển. Xa xa là các khu công nghiệp đã được xây dựng và đang đi vào hoạt động.
Ảnh : Đỉnh đê Saemangeum là cả một xa lộ hiện đại với 4 làn xe chạy
Ngoài ra, theo quy hoạch nơi đây cũng sẽ được hình thành khu cảng Gunsan nằm phía ngoài đê biển, biến vùng đất mới được khai hoang thành một khu phức hợp kinh tế quốc tế, được gọi là Khu vực tự do kinh tế Saemangeum-Gunsan. Khu phức hợp này sẽ được xây xong vào năm 2020.
Ảnh : Quy hoạch phát triển thành phố Gusan và vùng biển Saemangeum
Địa điểm thứ hai mà đoàn đến tham quan là khu cảng mới – Busan New Port. Sau khi được đại diện phía cảng Busan tiếp đón, đoàn được xem một video giới thiệu về quá trình xây dựng và phát triển cảng. Kết thúc video khi cánh cửa phía trước từ từ mở ra thì một hải cảng sầm uất, hiện đại hiện ra trước mặt du khách với khu bãi container rộng tít tắp, tàu bè tấp nập, các thiết bị trên bến đang hoạt động nhộn nhịp. Từ đây, mọi người có thể quan sát, chụp ảnh các khu bến từ trên cao và đi một vòng tham quan sa bàn phối cảnh tổng thể toàn bộ khu cảng cũng như giải pháp kỹ thuật xây dựng cảng.
Ảnh : PGĐ Phùng Văn Phát tặng quà cho đại diện cảng Busan-Hàn Quốc
Cảng Busan mới được xây dựng ở phía Tây thành phố, trên khu vực đảo Gaduk, cách cảng cũ chừng 20km. Theo quy hoạch đến năm 2020 cảng sẽ có tổng cộng 45 bến có thể tiếp nhận được tàu container lớn nhất thế giới (>19.000TEU). Hiện tại cảng đã xây dựng được 31 bến với tổng chiều dài tuyến bến khoảng 12 km. Cảng Busan đảm nhận bốc xếp gần 40% tổng lượng hàng hóa vận tải biển của Hàn Quốc, 80% lượng hàng hóa container và 42% sản lượng thủy sản. Mỗi ngày cảng đón nhận gần 130 tàu. Thiết bị trên bến là hệ thống cần trục mép bến và cần trục bờ hiện đại, mức độ tự động hóa đạt tới 80%.
Sản lượng container thông qua cảng Busan tăng nhanh dần qua các năm vận hành và phát triển. Tính đến hết năm 2014, sản lượng thông qua cảng đã đạt 18,7 triệu TEU, tương đương với 225 triệu tấn hàng hóa/năm.
Ảnh : Mặt bằng quy hoạch phát triển cảng Busan mới
Sau khi thăm phòng trưng bày và giới thiệu cảng, đoàn tiếp tục lên xe để ra tham quan thực tế khai thác tại cảng. Quả thật có đến tận nơi mới cảm nhận được hết sự hiện đại cũng như quy mô tầm vóc của một cảng biển tầm cỡ thế giới. Tất cả mọi thứ đều quy củ, ngăn nắp, vận hành tự động và vô cùng chính xác. Phía đối tác Hàn Quốc rất nhiệt tình đi cùng đoàn và giới thiệu chi tiết từng khu bến, về công nghệ khai thác, cỡ tàu cập bến. Ai cũng thầm ước đến bao giờ cảng Lạch Huyện của Việt Nam mới có được tầm vóc như cảng Busan.
Ảnh : Dừng chân và chụp hình lưu niệm tại cảng Busan- Hàn Quốc
Kết thúc tham quan các công trình cảng biển và hàng hải, đoàn tiếp tục hành trình khám phá một số điểm du lịch khác tại Hàn Quốc như đảo Jeju, đảo Nami và thủ đô Seoul, để được nghe và trải nghiệm về văn hóa, về ẩm thực của người Hàn Quốc.
Một tuần tại xứ sở Kim chi trôi qua thật nhanh chóng và chắc hẳn trong tâm trạng mỗi kỹ sư TEDIPort không khỏi có những suy tư, trăn trở khi quay về đối diện với thực trạng hạ tầng cơ sở GTVT tại Việt Nam. Và không chỉ có vậy, chuyến đi còn là cơ hội để tiếp cận với một nền văn minh đô thị tiên tiến và có nhiều điều đáng để học hỏi và suy ngẫm.
Tin và bài : P.QLKT-TEDIPort