Dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu là một dự án trọng điểm quốc gia, thể hiện sự quyết tâm lớn của Đảng, Chính phủ trong việc tìm hướng ra biển, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cũng như cả nước nói chung. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành, đón những chuyến tàu trọng tải lớn đầu tiên vào sông Hậu, đặc biệt hơn nữa dự án hoàn thành thông luồng kỹ thuật đúng vào dịp khai mạc Đại hội lần thứ XII của Đảng ngày 20/01/2016.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người “đau đáu” trong việc tìm lối ra biển cho vùng ĐBSCL, đây là khu vực cólợi thế kênh rạch chằng chịt, đặc biệt sông Hậu với độ sâu tự nhiên hơn 18m nhưng chỉ những tàu 5.000 tấn ra vào là một sự lãng phí rất lớn. Các cửa sông thông ra biển qua bao nhiêu năm đã bị bồi lắng nên tàu lớn không vào được.
Năm 1994, đoàn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các nhà khoa học nhiều lần đi khảo sát các tuyến luồng, cửa biển trong khu vực này. Có nhiều giải pháp đưa ra như tiến hành nạo vét luồng Trần Đề, cửa Định An để tận dụng tự nhiên, tiết giảm chi phí. Sau khi phân tích một cách khoa học các yếu tố tự nhiên, tính khả thi và bền vững lâu dài, phương án nạo vét kênh Quan Chánh Bố và đào một tuyến kênh Tắt dài 8,2km để mở lối ra biển đã được lựa chọn. Phương án này được xem là tối ưu và được Chính phủ quyết tâm thực hiện.
Cuối tháng 12/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh khởi công Dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Mục tiêu của dự án xây dựng luồng tàu ổn định lâu dài cho tàu biển có trọng tải 10.000 DWT (đầy tải) đến 20.000DWT (giảm tải) ra vào. Tổng mức đầu tư của dự án là 9.781,2 tỷ đồng.
Trong khi các nhà thầu mới được triển khai thi công gói thầu 6A – nạo vét kênh Quan Chánh Bố, khó khăn về nguồn vốn đã khiến dự án phải đình hoãn trong vòng hơn 4 năm.Dự án được tái khởi động vào tháng 3/2014 và thực hiện trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2014 – 2016 triển khai trên chiều dài 46,5km. Giai đoạn 2 từ 2016 – 2017, hoàn thành các hạng mục còn lại đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, đảm bảo dân sinh.
Hình 1: Tổng quan dự án
Gói thầu số 10B có điểm đầu (Km0+000) tiếp giáp với gói thầu số 6B và kéo dài 2,393 km ra phía biển. Các hạng mục công trình chính của gói thầu 10B bao gồm: Luồng tàu và công trình bảo vệ bờ.Gói thầu 10B được khởi công từ ngày 31/12/2014 và hoàn thành sau 330 ngày. Từ ngày 31/12/2014 đến 7/3/2015, Đại diện Chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án Hàng Hải III và sau đó là Ban quản lý dự án Hàng Hải đảm nhận.
Ngày 7/3/2015, Liên danh Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Cảng Đường thủy (TEDIPort) và Công ty cồ phần Tư vấn và Xây dựng Thịnh Long (THINHLONGCORP) được chỉ định là Tư vấn giám sát của gói thầu số 10B.
Liên danh nhà thầu thi công gồm Tổng công ty xây dựng Lũng Lô (LCC), Tổng công ty 319 và Công ty TNHH Minh Hằng (gọi tắt là Liên danh LCC-319-MinhHằng) đã trúng thầu thi công Gói thầu số 10B.
Với vai trò đứng đầu liên danh tư vấn giám sát, TEDIPort vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách khẳng định thương hiệu của mình đối với Chủ đầu tư. Ngay từ ban đầu, xác định được tầm quan trọng đặc biệt của Dự án, thời gian chuẩn bị không còn,Ban Lãnh đạo công ty đã chỉ đạo nhân viên công ty tích cực nghiên cứu, gấp rút triển khai công tác chuẩn bị nhanh chóng lên đường nhận nhiệm vụ mới. Với nhiều năm nghiên cứu, triển khai các gói thầu của dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, như Thiết kế BVTC gói thầu 6A, Thiết kế BVTC gói thầu 10A nên khi được Bộ GTVT giao trọng trách quản lý công tác Tư vấn giám sát gói thầu 10B, việc tiếp cận và triển khai công việc đối với TEDIPort khá thuận lợi và đảm bảo tiến độ mà Chủ đầu tư yêu cầu .
Ngày 7/3/2015, liên danh TEDIPort và THINHLONG CORP đã có mặt phối hợp triển khai giám sát gói thầu.
Trong quá trình triển khai dự án, rất nhiều vấn đề nảy sinh đã không ít lần làm đau đầu Ban quản lý và các nhà thầu. Với vai trò tư vấn, TVGS hết sức bám sát hiện trường, bám sát thực tế phối hợp, đề xuất những giải pháp giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho Chủ đầu tư cũng như Nhà thầu.
Về Kỹ thuật, đây là gói thầu phức tạp nhất về mặt kỹ thuật do hội tụ tất cả các yêu cầu kỹ thuật của những gói thầu khác như nạo vét hút phun, nạo vét đổ biển, kè thảm đá, kè đá đổ, đúc vận chuyển khối, xếp khối phủ.
Nạo vét hút phun, gói thầu 10B phải phối hợp với các gói liền kề để công tác thi công không cản trở nhau, lượng phun lên bãi chứa phải cân đối, tránh chồng chéo khối lượng. Thi công nạo vét đổ biển, TVGS triển khai giám sát thi công theo đúng Thông tư 28/2014/TT-BGTVTvề trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải,tiến hành kiểm tra toàn bộ thiết bị như thiết bị định vị, thiết bị theo dõi hành trình của tất cả các thiết bị tham gia thi công gói thầu, kiểm tra nhân lực, thuyền trưởng, … trước khi đồng ý cho thi công. Trên mỗi thiết bị vận chuyển, TVGS đều bố trí 1 cán bộ giám sát, chụp hình lưu lại từng hành trình, do vậy khối lượng giám sát viên nhiều thời điểm phải huy động rất lớn. Việc tính toán khối lượng thi công hàng ngày luôn được cập nhật, báo cáo kịp thời với Chủ đầu tư đảm bảo đúng tiến độ. Việc thi công nạo vét đổ biển chịu ảnh hưởng rất lớn điều kiện thời tiết, thời điểm triển khai thi công đang là mùa gió chướng, sóng lớn liên tục rất nguy hiểm cho các thiết bị, đặc biệt là thiết bị vận chuyển đòi hỏi TVGS phải tính toán được thời điểm xuất hiện sóng lớn quá mức cho phép để yêu cầu tạm dừng thi công, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị. Khó khăn nữa là vị trí đổ biển cách xa bờ khoảng 15 km, sóng điện thoại và tín hiệu truyền thông bị nhiễu, không ổn định, nhiều chuyến đi đổ biển bị trục trặc hệ thống dẫn đường AIS nên việc xác định vị trí bãi đổ rất khó khăn. Giải quyết vấn đề này, TVGS đã nghiên cứu, lập file tính toán cấp cho các giám sát viên, trong trường hợp khẩn cấp nhập tọa độ định vị của salan bùn là có thể xác định được còn cách bãi đổ bao xa, di chuyển về hướng nào, vẫn đảm bảo đổ đúng vị trí cho phép.
Thi công lắp đặt khối phủ, đây là một hạng mục giống hạng mục chính của gói thầu 10A đòi hỏi rất khắt khe về yêu cầu kỹ thuật, phải có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa 2 gói thầu. TVGS luôn bám sát chỉ dẫn kỹ thuật lắp đặt khối, hướng dẫn nhà thầu thi công đúng kỹ thuật, kiểm tra hình dáng khối trước lắp đặt, tư thế lắp đặt, khoảng cách 2 khối liền kề, mât độ lắp đặt, … trong đó khó nhất là tư thế lắp đặt khối. Đây là công việc rất khó, lặp đi lặp lại nên gây nhàm chán cho công nhân, nếu chỉ một chút lơ là trong giám sát công nhân sẽ lắp đặt sai tư thế. Ngoài ra khối phủ là các khối trọng lượng lớn, vấn đề an toàn thi công cẩu lắp luôn được giám sát chặt chẽ, từ đồ bảo hộ, dây buộc luôn được chú ý nhắc nhở nên trong toàn bộ quá trình thi công không để xảy ra tai nạn đáng tiếc nào.
Hình 2: Lắp đặt khối phủ
Thi công kè thảm đá, đây là hạng mục chứa đựng nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp nhất của gói thầu. Trước hết phải kể đến công tác bàn giao mái nạo vét, việc thi công mái với yêu cầu sai số rất nhỏ +10cm, -20cm trong điều kiện độ sâu nước từ 8-10 m là vô cùng khó khăn. Thấu hiểu vấn đề này, Chủ đầu tư cũng rất nhiều lần tổ chức họp bàn và cùng TVGS đưa ra thử nhiệm nhiều giải pháp thi công, nghiệm thu. Hơn nữa, trong một gói thầu đơn vị bàn giao mái và đơn vị nhận bàn giao mái để thi công kè khác nhau, do đó rất nhiều khó khăn trong công tác bàn giao mái giữa 2 đơn vị đòi hỏi tư vấn giám sát phải luôn luôn bám sát, điều tiết để đảm bảo được cả yếu tố kỹ thuật và tiến độ bàn giao. Biện pháp đo bàn giao, TVGS cũng phải đề xuất thêm nhiều phương pháp đo so với phương pháp trong chỉ dẫn là đo sâu hồi âm, đó là đo bằng thả dọi, chọc sào, kết hợp thợ lặn để kiểm tra, vì khu vực dự án phù sa nhiều, nếu chỉ dùng đo hồi âm sẽ không thể kiểm tra được túi bùn, thi công thảm sẽ rất khó khăn. Về yêu cầu kỹ thuật vật liệu, các vật liệu đầu vào yêu cầu kỹ thuật rất cao, nếu không giám sát chặt chẽ sẽ dẫn đến việc thí nghiệm sót các chỉ tiêu, ngoài ra một vài chỉ tiêu chưa có đơn vị nào có đủ trang thiết bị để thí nghiệm như thí nghiệm về lực căng tại vòng xoắn và kéo bung dây viền cũng được TVGS xem xét kiến nghị kịp thời lên Chủ đầu tư.
Hình 3: Kè đá đổ đang hoàn thành
Về vấn đề cắt đê ngăn mặn, liên quan đến gói thầu cũng như toàn dự án là đê ngăn mặn Hải Thành Hòa, đoạn đê xung yếu này có nhiệm vụ ngăn mặn, kết nối khu dân cư nên việc cắt đê là cực kỹ phức tạp, đòi hỏi sự thống nhất từ chính quyền Tỉnh, địa phương, Ban quản lý, cũng như người dân.Đây là một phần của hạng mục nạo vét của gói thầu 10B nên công tác giám sát thi công phải hết sức cẩn trọng. Ngay từ ban đầu, rất nhiều cuộc họp triển khai cắt đê ngăn mặn được tổ chức, họp bàn các vấn đề kỹ thuật, vấn đề dân sinh, để khi thi công không xảy ra sự cố đáng tiếc. Trước và trong thời điểm cắt đê khi có quyết định của Tỉnh, TVGS túc trực tại công trường cả ngày và đêm cùng Chủ đầu tư để chỉ đạo Nhà thầu cắt đê, giải quyết các vấn đề nảy sinh. Kết quả sau 7 ngày tích cực chỉ đạo thi công, đê ngăn mặn Hải Thành Hòa đã được cắt, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn giao thông, kịp thời cho buổi lễ thông luồng kỹ thuật diễn ra vào ngày 20/01/2015.
Vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách, đến nay có thể khẳng định gói thầu 10B đã hoàn thành tốt tiến độ thi công, dẫn đầu trong các gói thầu về tiến độ và nghiệm thu thanh toán. Có được thành công như vậy là nhờ sự phối hợp tốt giữa Chủ đầu tư, TVGS và LDNT, trong đó công đầu phải kể đến vai trò của TVGS, xuất phát sau các đơn vị TVGS khác nhưng nhờ sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi khó khăn, Liên danh TTEDIPORT-THINHLONG CORP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, hòa chung thành công của Dự án để những chuyến tàu biển trọng tải lớn sẽ tấp nập ra vào sông Hậu chở đầy trên mình hàng hóa, nông sản của vùng ĐBSCL ra với thế giới mang theo bao ước mơ, khát vọng thoát khỏi đói nghèo vươn lên giàu có của người dân miền Tây Nam bộ.
Bài và ảnh : TEDIPort