Việc thực hiện chính sách hỗ trợ vận chuyển hàng hóa container qua cảng Chân Mây sẽ góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, tăng sức hấp dẫn đối với môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh…
Tàu khách du lịch vào cảng Chân Mây, Thừa Thiên – Huế
Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 6 diễn ra vừa qua, HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã thông qua Nghị quyết “Quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây”.
Đáng chú ý, Nghị quyết này có hai chính sách hỗ trợ nhằm thu hút các hãng tàu vận tải biển và các doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container.
Đó là hãng tàu biển/đại lý hãng tàu được phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Chân Mây theo tuyến với tần suất tối thiểu hai chuyến cập cảng mỗi tháng, áp dụng mức hỗ trợ 210.000.000 đồng/chuyến cập cảng. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bằng container đi/đến cảng Chân Mây (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh), áp dụng mức hỗ trợ đối với container 20 feet là 800.000 đồng/container; đối với container 40 feet là 1.100.000đồng/container. Thời gian áp dụng thí điểm chính sách này bắt đầu từ tháng 10/2022 đến cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng xu thế phát triển vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế hiện nay đang chuyển hướng từ lĩnh vực vận chuyển các mặt hàng rời sang lĩnh vực vận chuyển hàng hóa đóng container, bởi phương thức này có nhiều ưu điểm như: giảm chi phí vận chuyển, tăng năng suất lao động, khuyến khích các doanh nghiệp dịch vụ cảng biển đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật…
“Khi áp dụng chính sách này, ước tính có khoảng 8.600 container qua cảng Chân Mây/năm sẽ được ngân sách tỉnh Thừa Thiên – Huế hỗ trợ khoảng 18-20 tỷ đồng/ năm trích từ nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Thừa Thiên – Huế theo Nghị quyết số 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên – Huế”, ông Phương cho biết thêm.
Hiện nay, cảng Chân Mây có 03 cầu cảng đang hoạt động, với tổng chiều dài khoảng 910 m; trong đó, cầu cảng bến số 1, số 2 được tiếp nhận tàu chở container. Sản lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây năm 2022 dự kiến đạt khoảng 5 triệu tấn. Theo Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, cảng Chân Mây thuộc nhóm cảng biển số 2, loại I. Khu bến Chân Mây có thể tiếp nhận tàu container sức chở đến 4.000 TEU với chức năng phục vụ Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.
Tuy nhiên, hiện tại lượng tàu, hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Chân Mây còn rất ít, do vậy chưa phát huy được lợi thế, công suất hoạt động của cảng.
Với việc thực hiện chính sách hỗ trợ nêu trên sẽ góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, tăng sức hấp dẫn đối với môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp vào các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tiết kiệm được chi phí vận tải đường bộ thay vì phải vận chuyển đến cảng Đà Nẵng cách đó khoảng 40-50 km.
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có khu kinh tế là Chân Mây – Lăng Cô và 6 khu công nghiệp gồm: Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa, Quảng Vinh và có hơn 80 doanh nghiệp lớn nhỏ xuất, nhập hàng hóa bằng container với nhiều mặt hàng như: Frit, sợi, vải, bông, quần áo, gỗ, thực phẩm, men beer, bao bì, nguyên liệu may mặc, dây chuyền thiết bị máy móc, khoáng sản và thủy, hải sản…
Theo lãnh đạo các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường biển của tỉnh Thừa Thiên – Huế , cho biết, hiện có khoảng 85% hàng hóa xuất, nhập của họ được thông qua Cảng Đà Nẵng, thậm chí có một vài đơn hàng do điều kiện giao hàng ràng buộc nên phải chuyển xuất qua cảng Sài Gòn hoặc Hải Phòng. Nhiều doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Phú Bài còn cho rằng đối với vận chuyển hàng hóa, không chỉ di chuyển trên đường mà cần phải có bến bãi, kho dự trữ hàng hóa tại nhà máy và cả tại cảng biển.
Vì vậy, khi vận chuyển hàng hóa từ Khu công nghiệp Phú Bài đến Cảng Chân Mây sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí so với vận chuyển vào cảng Đà Nẵng (giảm quãng đường vận chuyển mỗi chiều khoảng 40-50 km) khi trong cùng điều kiện hai cảng có phí dịch vụ như nhau, điều này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Với việc thực hiện chính sách hỗ trợ nêu trên sẽ góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, tăng sức hấp dẫn đối với môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh.
Nguồn: vneconomy.vn