Ngày 17/10, đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về công tác quản lý quy hoạch phát triển cảng biển trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Minh Khang – Giám đốc TEDIPORT (Đơn vị tư vấn thiết kế các dự án Cảng biển ở Nghệ An) đã tháp tùng đoàn công tác.
Các bến cảng tổng hợp, container số 5, 6 của Công ty TNHH MTV Cảng Cửa Lò có tổng chiều dài 450m (mỗi bến 225m) cho tàu trọng tải đến 30.000 tấn DWT giảm tải, công suất thông qua 1,55 – 3,25 triệu tấn/năm. Trong đó, bến số 5 đã hoàn thành và được công bố mở ngày 20/7/2018.
Buổi làm việc giữa đoàn Bộ GTVT với UBND tỉnh Nghệ An
Các bến cảng tổng hợp, container số 7, 8 hiện nay Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức đang đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng và điều chỉnh chiều dài. Trong khi đó, khu bến Bắc Cửa Lò là khu bến chuyên dùng có bến tổng hợp, tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải 10.000 – 70.000 tấn. Đáp ứng hàng thông qua dự kiến khoảng 6,25 triệu tấn/năm vào năm 2020 và 8,0 triệu tấn/năm vào năm 2030.
Khu vực phía Bắc Cửa Lò có 2 bến cảng gồm, bến cảng chuyên dùng Vissai của Công ty CP Xi măng Sông Lam đã được Cục Hàng hải Việt Nam thỏa thuận với 2 cầu cảng chuyên dùng phục vụ trạm nghiền xi măng thuộc Nhà máy xi măng Sông Lam; bến cảng xăng dầu DKC Công ty CP Thiên Minh Đức gồm 1 cầu cảng tiếp nhận tàu chở dầu trọng tải 49.000 DWT và 1 cầu cảng tiếp nhận tàu chở dầu, nhựa đường trọng tải 10.000 DWT. Hiện nay, các cầu cảng và luồng chuyên dùng của khu bến đã được nhà đầu tư hoàn thành.
Khu bến Đông Hồi là khu bến cảng chuyên dùng có bến tổng hợp phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp thuộc khu công nghiệp Đông Hồi (Nghệ An). Bến cảng có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 – 50.000 tấn. Khu Bến Thủy, Cửa Hội có chức năng là khu bến cảng tổng hợp địa phương có bến chuyên dùng, tiếp nhận cả tàu có trọng tải từ 1.000 – 2.000 tấn, đáp ứng lượng hàng thông qua dự kiến khoảng 0,75 triệu tấn/năm vào năm 2020.
Nghệ An nhiều thế mạnh phát triển cảng biển
Sau khi lắng nghe các ý kiến của đại diện Sở GTVT Nghệ An, Cảng vụ Hàng hải Nghệ An, doanh nghiệp kinh doanh cảng…, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Nghệ An là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý để phát triển cảng biển. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, tỉnh đã thu hút và kêu gọi được rất nhiều nhà đầu tư uy tín xây dựng các khu công nghiệp lớn như VISIP, Hemaraj, Hoàng Mai 1 và Hoàng Mai 2… Thực tế này đòi hỏi tỉnh Nghệ An phải đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển để hàng hóa được lưu thông nhanh chóng, thuận tiện.
“Trước nhu cầu thực tiễn đặt ra, tỉnh Nghệ An mong muốn Bộ GTVT tạo điều kiện quy hoạch lại hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh. Đưa vào đầu tư trung hạn các dự án nạo vét luồng hàng hải hạ độ sâu xuống -11m để có thể đón được tàu có tải trọng 3 vạn tấn (đầy tải) và 5 vạn tấn (hạ tải); mở rộng vũng quay tàu; xây dựng đê chắn sóng, đê chắn cát…, trong đó tập trung đầu tư khu bến Nam Cửa Lò. Tiếp tục đầu tư và hoàn thiện khu neo đậu tàu cá đang được đầu tư dở dang…”, ông Quý đề xuất.
Xây dựng quy hoạch chi tiết cảng biển Nghệ An
Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nhất trí thống nhất xây dựng quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Nghệ An, đặc biệt chú ý khu bến Nam Cửa Lò. Kéo dài các cầu cảng ra phía biển để phát huy hết lợi thế. Nghiên cứu xem xét xây dựng cầu cảng ở khu đối diện bến cảng 1, 2, 3, 4, 5, 6 cảng Cửa Lò.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cũng đồng ý sẽ phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An báo cáo cấp thẩm quyền bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng đê chắn sóng, chắn cát; cầu cảng; nạo vét luồng hàng hải đảm bảo tàu 3 vạn tấn (đầy tải) và tàu 5 vạn tấn (hạ tải) có thể ra vào.
Nghiên cứu khu vực thượng lưu bến Nam Cửa Lò để tận dụng đường bờ đê xây dựng cầu cảng hoặc khu tránh trú bão cho tàu, thuyền hoặc khu neo đậu tàu cá, tránh tình trạng tàu cá neo đậu lẫn lộn với tàu hàng như hiện nay. Trong quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển Nghệ An phải chú ý xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với cảng nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên chở hàng hóa đảm bảo an toàn giao thông và môi trường.
Các doanh nghiệp cảng biển phải chủ động nghiên cứu các chủ trương, đường lối, thực hiện đúng quy định của pháp luật về hoạt động cảng, đặc biệt là các vấn đề an toàn hàng hải và ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp cảng biển cũng phải quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị, không ngừng đổi mới hình thức vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để nâng cao hiệu quả công việc.
Đồng ý cho Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức đầu tư xây dựng bến cảng 7, 8 với chiều dài 500m, theo cỡ tàu quy hoạch là 3 vạn tấn.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng mong muốn tỉnh Nghệ An phối hợp với các bên liên quan sớm hoàn thiện đánh giá tác động môi trường để cuối năm nay hoặc đầu năm sau có thể triển khai dự án nạo vét luồng hàng hải cảng Cửa Lò.
Nguồn: Báo Giao thông