Với địa hình sông nước, giao thông đường thủy (GTĐT) ở các tỉnh phía Nam có vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội. Song trên thực tế, vận tải thủy ở khu vực này lại chưa được phát huy hết tiềm năng, thế mạnh.
Về phát triển vận tải thủy nội địa ở ĐBSCL, Bộ GTVT đánh giá: ĐBSCL là khu vực có lượng hàng hóa rất lớn nên nhu cầu vận chuyển nội địa cũng như xuất khẩu rất cao. Theo thống kê của Cục Đường thủy nội địa, khu vực này có hơn 30 kênh liên tỉnh, giúp lưu thông liên hoàn giữa các tỉnh trong khu vực. Tỷ lệ hàng hóa và hành khách trong vùng được vận chuyển bằng đường thủy chiếm hơn 60%. Thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐBSCL năm 2012 đạt 9,8 tỷ USD. Trong đó chủ yếu là các mặt hàng có giá trị cao như gạo, thủy sản chế biến, rau quả đông lạnh, hàng may mặc, giày da…
Song, đánh giá về sự phát triển chưa tương xứng của vận tải thủy, Cục Đường thủy nội địa nhận định: ĐBSCL có tuyến luồng dày đặc, nhưng lại không đồng cấp, nhất là về độ sâu; nhiều cây cầu đã cũ, có chiều rộng tĩnh không thông thuyền hạn chế. Nhiều đoạn, tuyến sông có mật độ giao thông cao, nhưng vẫn tận dụng tự nhiên là chính, ít được khảo sát, đo đạc, thông báo luồng. Các cửa sông bị bồi lắng khá lớn, diễn biến phức tạp, nhiều chướng ngại vật chưa được xử lý. Số cảng bến thủy nội địa tuy nhiều nhưng trang bị bốc xếp hàng hóa chưa hiện đại, đường bộ kết nối với các bến còn nhiều hạn chế…
Cảng biển Cái Mép-Thị Vải hiện là cảng nước sâu có tiềm năng nhất ở phía Nam bởi vị trí thuận lợi, tiếp nhận được các tàu có tải trọng lớn. Với chủ trương đầu tư thành cảng trung chuyển quốc tế, kết nối, thúc đẩy phát triển của các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, Nhà nước và nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đổ vốn lớn vào đây. Tuy nhiên, như nhận định của các chuyên gia, do kết nối giao thông giữa cảng và các địa phương trong vùng, TPHCM chưa đồng bộ nên hiệu quả khai thác còn thấp. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn.
Tổng chiều dài đường thủy của TP. HCM có thể khai thác vận tải là 975 km, hiện có khoảng 693,2 km sông, kênh các loại với 106 tuyến đã được phân cấp và phân công quản lý. Khoảng 1.000 km sông, kênh, rạch không có chức năng là đường thủy nội địa và hàng hải có thể phát triển du lịch (DL) đường sông bởi cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn ở ven đô rất đặc sắc, với các làng nghề, vườn cây ăn trái…
Song TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông đánh giá, dù có hệ thống sông ngòi dày đặc nhưng khó tận dụng vì hệ thống đường thủy của TPHCM chưa gắn kết với đường bộ, đường sắt và hệ thống cảng, đầu tư chưa hợp lý. Cầu ở Thành phố đều có tĩnh không thấp, hệ thống kênh rạch không được nạo vét thường xuyên, độ sâu thấp nên các tàu lớn không thể ra vào. Do đó, hầu hết hàng hóa được vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ.
Mặc dù du lịch đường thủy được đặt ở vị trí chiến lược trong phát triển du lịch của Thành phố, nhưng lợi thế này vẫn khó khai thác do hệ thống cầu tàu, nhà chờ, bến đậu… khá thiếu và yếu về chất lượng. Ông Võ Xuân Nam, Phó Trưởng phòng Lữ hành Sở Văn hoá -Thể thao và Du lịch TPHCM cũng thừa nhận, hạn chế du lịch đường thủy không nằm ở sản phẩm, ở tính hấp dẫn mà ở cơ sở hạ tầng, cầu tàu, bến bãi.
Để phát triển thế mạnh sông nước của TPHCM, để kết nối với cả nước cũng như với ĐBSCL và miền Đông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg “Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020”. Theo đó, Thành phố sẽ từng bước phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn, vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics. Thực hiện di dời các khu bến cảng trên sông Sài Gòn. Phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển và luồng vào cảng; ưu tiên đầu tư các bến cảng biển chính (Cát Lái, Nhà Bè, Hiệp Phước).
Theo quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng bến khu vực TPHCM đến năm 2020 của Sở GTVT Thành phố, nhiều cảng, bến sẽ được xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo, nâng cấp; nâng cấp và đầu tư có chiều sâu các cảng sông; xây dựng các bến tàu khách du lịch. Ngành du lịch TPHCM đã soạn thảo “Chiến lược phát triển du lịch đường sông giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020” với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng ngân sách cùng với nguồn xã hội hóa khoảng 10.000 tỷ đồng. Mục tiêu đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đường sông mỗi năm khoảng 20%, doanh thu tăng mỗi năm 30%…
Chính sách thì đã có, song quan trọng là “Phải đổi mới tư duy, cách làm mới phát triển được vận tải thủy” như khẳng định của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tại Hội nghị “Nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa (VTTNĐ) và kết nối các phương thức vận tải Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức vào tháng 7/2014 vừa qua.
Nguồn:chinhphu.vn