Nhằm tăng cường sự tình hữu nghị hợp tác giữa hai công ty Nikken Sekkei (NSC) và Công ty Cổ phần TVXD Cảng – Đường thủy (Tediport), ngày 19/7/2018 tại văn phòng của Công ty đã tổ chức buổi Hội thảo khoa học thường niên 2018 giữa hai cơ quan tư vấn hàng đầu của Việt Nam và Nhật Bản. Đây cũng là dịp để các kỹ sư của hai công ty có điều kiện để trao đổi, tìm hiểu về các vấn đề kỹ thuật trong khảo sát, thiết kế công trình Cảng-Đường thủy.
Về phía Nhật Bản có ông Tetsushi Fujita – Giám đốc Nikken Sekkei, ông Nguyễn Công Giang- Trưởng đại diện tại Việt Nam cùng các chuyên gia về quy hoạch cảng biển và hạ tầng nền móng của NSC. Về phía Việt Nam có ông Lương Phương Hợp – Phó Tổng Giám đốc TEDI, ông Nguyễn Văn Tiễn – Giám đốc Công ty cùng các Phó giám đốc và các kỹ sư Cảng- Đường thủy và Địa chất công trình của Tediport. Tham dự buổi Hội thảo còn có các khách mời là các chuyên gia về hạ tầng nền móng của Công ty Fudo Tetra Corporation (Nhật Bản) và Công ty cổ phần Fecon (Việt Nam ) cùng các giáo sư thuộc trường Đại học Chuo- Nhật bản.
Tại buổi tọa đàm có 3 báo cáo tham luận được trình bày và các chủ đề thảo luận liên quan. Ông Katayama (NSC) trình bày về quá trình thiết kế và xây dựng cảng thép chuyên dụng nhập nguyên liệu thép tại cảng Kashima để phù hợp với thiết bị công nghệ bốc xếp trên bến. Ông Mitsuo Nozu (Fudo) cũng giới thiệu với Hội thảo về phương pháp xử lý nền bằng cọc xi măng đất trộn sâu và thiết kế cọc kiểu ALICC. Không chỉ trên thế giới mà giải pháp này cũng đã được áp dụng thành công tại Việt Nam tại cảng Lạch Huyện và Cái Mép-Thị Vải. Các chuyên gia phía Nhật Bản rất quan tâm đến địa tầng và kết cấu nền móng tại Việt Nam, đã có những nghiên cứu, so sánh về các chỉ tiêu cơ lý của từng loại đất ở hai quốc gia. Các kỹ sư của Tediport cũng đã đặt nhiều câu hỏi cũng như những vướng mắc trong quá trình thiết kế xử lý nền móng tại Việt Nam, trong đó đặc biệt quan tâm đến các vùng có địa tầng yếu như tại cảng Thị Vải. Hai bên đã cùng trao đổi và thảo luận rất sôi nổi cho đến khi kết thúc buổi Hội thảo, các chuyên gia và giáo sư Nhật Bản đã giải đáp hầu hết tất cả các câu hỏi của phía Việt Nam.
Cũng trong chuyến sang thăm Việt Nam lần này, các chuyên gia địa kỹ thuật của Fudo và NSC đã tới thăm phòng thí nghiệm Địa chất công trình của Tediport và Fecon. Đây là các phòng thí nghiệm đã từng làm thí nghiệm cho rất nhiều các dự án, trong đó có các đối tác Nhật Bản ở Việt Nam như Toa, Penta ocean, Toyo…
Kết thúc 2 ngày làm việc tại Việt Nam, các bên đều nhất trí rằng những tọa đàm khoa học như thế này là cơ hội tốt để cùng giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm thiết kế và mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa hai bên trong các lĩnh vực: quy hoạch cảng, xử lý nền đất yếu và xây dựng công trình ngầm.