Các nhà đầu tư bỗng dồn sự chú ý trở lại với các doanh nghiệp cảng biển, trái ngược cảnh èo uột khi khối này rầm rộ IPO mùa hè năm ngoái.
Sự kiện Cảng Nghệ Tĩnh bán hết gần 3,9 triệu cổ phần trong phiên IPO vào ngày cuối cùng của năm 2014 được coi là bất ngờ ngay cả với người chào hàng là Tổng công ty Hàng hải (Vinalines).
Thực tế, đã có tổng cộng 47 nhà đầu tư đặt mua, với tổng khối lượng đăng ký đạt hơn 8,57 triệu cổ phần, cao gấp 2,2 lần số cổ phần chào bán. Chốt lại phiên giao dịch, 100% số cổ phần đưa ra được bán hết cho 9 nhà đầu tư, tổng giá trị thu về đạt 47,2 tỷ đồng. “Cảng Nghệ Tĩnh là đơn vị đầu tiên trong khối này thuộc sự quản lý của Vinalines bán hết 100% cổ phần”, đại diện Vinalines cho biết.
Trước đó, từng có 5 doanh nghiệp cảng biển khác của Vinalines được IPO hồi giữa năm 2014. Trong khi Cảng Quảng Ninh chỉ bán được có 7,5% cổ phần tung ra thì Cảng Nha Trang cũng chỉ bán được 6,3%, thu về vỏn vẹn 3,5 tỷ đồng. Được kỳ vọng hơn song 2 cảng lớn nhất miền Trung và miền Bắc là Đà Nẵng và Hải Phòng cũng mới bán được lần lượt 19,6% và 47% số bán ra. Đứng chót bảng là Cảng Cần Thơ khi chỉ bán được 0,2%.
Dù trải qua một mùa hè IPO được coi là thất bại, thế nhưng trong ba tháng cuối năm, chính những cảng nói trên lại nhận được một danh sách các nhà đầu tư xếp hàng để trở thành đối tác chiến lược, từ các tập đoàn tư nhân trong nước đến cả đối tác ngoại.
Cảng Hải Phòng đang đắt hàng trong mắt các nhà đầu tư lớn dù phiên IPO hồi tháng 5 khá ế ẩm.
Đầu tiên là Cảng Nha Trang, sau gần nửa năm thương thảo, Vinalines đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để chuyển giao quyền khai thác cho một tập đoàn tư nhân. Tương tự tại cảng Quảng Ninh, một nguồn tin cho hay, nhiều khả năng đối tác chiến lược của cảng cũng sẽ là một tập đoàn hàng đầu về đầu tư tài chính.
Nhưng đắt khách nhất phải kể đến Cảng Hải Phòng khi danh sách nhà đầu tư chiến lược có cả quỹ đầu tư nước ngoài lẫn tổ chức tín dụng trong nước.
Đầu tiên là Ngân hàng Công thương Vietinbank. Gần một năm qua, ngân hàng này đã gửi văn bản đi các bộ ngành để xin chủ trương trở thành cổ đông chính tại cảng lớn nhất miền Bắc thông qua khấu trừ dần số nợ hàng nghìn tỷ mà công ty mẹ của cảng là Vinalines đã vay từ nhiều năm trước.
Trong khi đó, Vinalines cũng đã nhận được cái “gật đầu” từ Chính phủ để bán tối đa gần 30% cổ phần của Cảng Hải Phòng cho đối tác đến từ Oman. “Với giá thỏa thuận không thấp hơn giá đấu bình quân là 13.500 đồng mỗi cổ phần, nếu bán hết tỷ lệ xấp xỉ 30% thì số tiền thu về có thể lên đến cả nghìn tỷ. Đây là nguồn lực đáng kể để Vinalines tái cơ cấu tài chính”, đại diện doanh nghiệp cho hay.
Đánh giá về việc cảng biển được giới đầu tư quan tâm, trái ngược với những gì diễn ra hồi mùa hè, lãnh đạo Cục Hàng hải nhận định thành công bước đầu này đến từ chủ trương thoái sâu vốn nhà nước tại doanh nghiệp cảng biển mà Chính phủ vừa điều chỉnh.
“Ví dụ theo đề án cổ phần hóa hồi đầu năm, các cảng như Hải Phòng, Quảng Ninh thì tỷ lệ Nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa vẫn từ 75%. Nhưng đề án điều chỉnh cho phép tỷ lệ này giảm còn 51%. Đây là yếu tố khiến nhà đầu tư thay đổi quan điểm”, Cục trưởng Nguyễn Nhật nói.
Đại diện Vinalines cho biết thêm, cũng nhờ chủ trương này mà doanh nghiệp đã nhận được nhiều lời đề nghị từ một số đối tác lớn để bán tiếp cổ phần Cảng Đà Nẵng. Phiên đấu giá lần 2 cổ phần Cảng Đà Nẵng đã được lên lịch vào ngày 19 tháng này.
“So với thời điểm bung hàng IPO hồi tháng 4-5 của một loạt cảng biển thì sự chú ý của nhà đầu tư đã tăng lên đáng kể. Nhưng nói cảng biển đã qua thời ế ẩm chưa thì có lẽ phải chờ đến lần IPO Cảng Sài Gòn trong một hai tháng tới mới có câu trả lời chắc chắn”, vị này thận trọng.
Nguồn VnExpress