Chân Mây – Lăng Cô: Lược sử một vùng đất
Chân Mây – Lăng Cô là vùng đất ở cực Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, thuộc địa bàn của 3 xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô (thường được gọi là Nước Ngọt, Thừa Lưu, Lăng Cô) hiện nay nằm trong phạm vi quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.
Trải theo chiều dài văn hiến, vùng đất Chân Mây – Lăng Cô đã từng có nhiều tên gọi khác nhau. Với bề dày lịch sử hào hùng, vùng đất này được ghi vào sử sách với truyền thống bất khuất, kiên cường, anh dũng trong quá trình mở mang bờ cõi, chống giặc ngoại xâm, dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Theo “Việt sử xứ Đàng Trong” của Phan Khoang, vào năm 359, bến Ôn Công, mũi Choumay (Chân Mây) là ranh giới giữa Nhật Nam với Lâm Ấp thuộc Vương quốc Champa. Sau đó, do nhiều cuộc chiến tranh liên miên, đến thời nhà Đường, ranh giới Lâm Ấp được điều chỉnh mở rộng đến tận Hoành Sơn. Năm 1306, sau khi vua Trần Anh Tông thuận tình gã Huyền Trân Công Chúa cho Chế Mân (vua Chăm) để nhận sính lễ là hai châu Ô – Lý thì phần đất từ bờ Nam sông Thạch Hãn đến bờ Bắc sông Thu Bồn (Đà Nẵng) thuộc về Đại Việt.
Lúc bấy giờ, vùng Chân Mây – Lăng Cô nằm trong địa phận châu Lý và sau khi về với Đại Việt, châu Lý được đổi tên thành châu Hóa, lỵ sở đóng tại thành Hóa Châu, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.
Vào tháng Tư năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh đã đi thuyền ra đóng ở vũng Chu Mãi (Chân Mây) để đại binh tiến đánh quân Tây Sơn qua cửa Tư Dung (Tư Hiền).
Vùng đất Chân Mây – Lăng Cô ngày xưa gồm Lộc Thủy, Lộc Tụ thuộc tổng An Cư. Thời đó, trên tuyến đường quan qua các đèo Phước Tượng, Phú Gia, Hải Vân có các trạm dịch Thừa Nông, Thừa Hóa, Thừa Lưu và Thừa Phúc với biên chế 1 trạm dịch là 80 người và 3 ngựa trạm để làm nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc. Hiện nay, Thừa Lưu là địa bàn thôn Trung Kiền thuộc xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc.
Sau Cách mạng tháng Tám, vào đầu năm 1946, Lộc Tụ được chia làm 3 xã: Đại Nguyên, Đại Hải, Đại Quang. Xã Đại Nguyên gồm 9 thôn: Thủy Dương, Thủy Tụ, Phước Lộc, Phước An, Trung Kiền (Thừa Lưu), Thổ Sơn, Phú Gia, Mỹ Gia, Tam Vị. Xã Đại Hải gồm 5 thôn: Phú Hải, Bình An, Đông An, Cảnh Dương, Mỹ An (Cổ Dù). Xã Đại Quang gồm 4 thôn: Lập An, Hói Dừa, Hói Mít (An Cư Tây) và Lăng Cô (An Cư Đông).
Trong kháng chiến chống Pháp, xã Đại Hải, Đại Quang và Đại Nguyên là những địa phương đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên đụng đầu với đội quân xâm lược Pháp. Để thuận lợi trong chỉ đạo hoạt động cách mạng, năm 1947, 2 xã Đại Nguyên và Đại Quang được nhập thành xã Đại Tiến; xã Đại Hải vẫn giữ nguyên.
Ngày 19/01/1947, tàu chiến Pháp đổ bộ ở bờ biển Cảnh Dương. Dưới sự yểm trợ của trọng pháo từ tàu chiến ngoài khơi, một cánh quân trên 5.000 lính Pháp đủ các quân chủng đã ào ạt tiến vào xã Đại Hải. Toàn bộ khu vực đã chịu cảnh tàn phá vô cùng tàn khốc. Nhưng, cũng tại đây, lịch sử đã ghi lại những chiến công vang dội của các chiến sĩ tự vệ cùng phối hợp với các đại đội của tiểu đoàn 18 (Trung đoàn Trần Cao Vân) anh dũng ngăn cản bước tiến của hành binh Pháp.
Đến tháng 5/1949, hai xã Đại Tiến và Đại Hải lại hợp nhất thành xã Vĩnh Lộc.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 tạm thời chia đất nước ta thành 2 miền; miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và là hậu phương lớn cho miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ở miền Nam, từ vĩ tuyến 17 trở vào, ngụy quyền Sài Gòn đã tổ chức lại các đơn vị hành chính từ tỉnh đến huyện, xã. Xã Vĩnh Lộc chia thành 2 xã: xã Đại Quang (cũ) mang tên là Lộc Hải. Xã Đại Hải và Đại Nguyên (cũ) mang tên là Lộc Tụ.
Những năm tháng dưới chế độ Mỹ – Ngụy, trên vùng đất này đã diễn ra nhiều trận chiến ác liệt. Năm 1966, tàu chiến, thủy quân lục chiến và xe tăng Mỹ đã đổ bộ vào vịnh Chân Mây.
Chính địa hình tàu thuyền neo đậu an toàn này là nơi thuận lợi cho tàu chiến đổ bộ nên tại đây đã diễn ra nhiều cuộc chiến đấu chống đổ bộ, chống càn, chia cắt giao thông của lực lượng vũ trang trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây cũng như những năm tháng chống đế quốc Mỹ. Bộ đội và dân quân du kích lợi dụng địa hình quen thuộc tổ chức nhiều trận đánh, gây nhiều tổn thất cho địch, lập nhiều chiến công vang dội.
Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài hàng thế kỷ được kết thúc bằng đại thắng mùa Xuân 1975, mở ra một kỷ nguyên mới: Đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất; nhân dân hoàn toàn tự do, đoàn kết, vững tin bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng xã hội mới – xã hội chủ nghĩa – con đường được Bác Hồ, Đảng và nhân dân đã lựa chọn.
Hình ảnh vịnh Chân Mây nhìn từ trên cao
Chân Mây – Lăng Cô: Vùng đất được đánh thức
Năm tháng đã qua đi, chiến tranh đã lùi về quá khứ; cùng với đất nước, lịch sử của vùng đất Chân Mây – Lăng Cô đã giở sang trang mới.
Tháng 9/1981, Lộc Tụ được chia thành 2 xã Lộc Tiến và Lộc Vĩnh; vùng Chân Mây – Lăng Cô lúc này gồm 4 xã: Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh, Lộc Hải. Trong đó, xã Lộc Vĩnh tiếp giáp với vịnh Chân Mây, được mũi Chân Mây Đông che chắn tạo ra vùng nước kín gió, lặng sóng nên các tàu thuyền thường đến neo đậu an toàn khi có gió bão.
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), với đường lối đổi mới, Thừa Thiên Huế đã có những bước tiến quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Những cơ sở công nghiệp quan trọng tiêu biểu như Nhà máy Bia Huế, Xi măng Luksvaxi; các cơ sở của ngành dệt may, sợi … ra đời đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế tỉnh nhà.
Du lịch – dịch vụ phát triển mạnh nhờ khai thác tốt lợi thế cảnh quan thiên nhiên, lịch sử và văn hóa, thương hiệu du lịch Huế được khẳng định. Đặc biệt, sau sự kiện quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới vào ngày 11/12/1993, một làn gió mới đã nâng tầm đời sống văn hóa và du lịch ở Thừa Thiên Huế.
Cùng với sự phát triển giá trị văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể đa dạng của vùng đất cố đô cũng không ngừng được sưu tầm, nghiên cứu khôi phục, phát huy và phát triển để trở thành những sản phẩm văn hóa độc đáo. Và, mười năm sau, kể từ khi UNESCO công nhận giá trị toàn cầu của quần thể Di tích Cố đô Huế, một lần nữa UNESCO công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Với những thành tựu đạt được trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đã tạo ra một thế và lực mới để Thừa Thiên Huế tiến lên với nhịp độ cao hơn, phát triển, hội nhập cùng với khu vực và cả nước.
Tuy nhiên, so với tiềm năng lợi thế sẵn có thì tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa thật sự phát huy hết các thế mạnh. Vì vậy, câu hỏi “phải làm gì đây để đưa tỉnh ta phát triển một cách nhanh chóng, bền vững” luôn là điều trăn trở, thôi thúc Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tìm phương sách tháo gỡ.
Trong bối cảnh đó, Chân Mây được phát hiện qua đề xuất của Tiến sĩ Trương Đình Hiển như một khả năng khởi phát động lực phát triển, mở ra hướng đi mới cho Thừa Thiên Huế.
Ngày 29/11/1994, đã đánh dấu mốc quan trọng khi đoàn lãnh đạo và đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh cùng với Phòng Thủy hải văn công trình (Phân viện Vật lý TP HCM) tiến hành khảo sát thực tế vùng Chân Mây. Tiếp theo đó, “Báo cáo nghiên cứu khảo sát lập dự án chọn địa điểm cảng biển nước sâu và khu công nghiệp Chân Mây” của Tiến sĩ Trương Đình Hiển đã được UBND tỉnh thông qua vào ngày 01 tháng 01 năm 1996.
Vịnh Chân Mây có cửa rộng 7 km, diện tích mặt nước khoảng 20 km2, độ sâu từ 6 – 14 mét, phần có độ sâu từ 9 – 14 mét chiếm 65% diện tích của vịnh. Khu vực đất liền tiếp giáp vịnh chủ yếu là đồng bằng. Các xã Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Lộc Thủy có mặt bằng khá bằng phẳng. Theo quy hoạch, khu dân cư có quy mô từ 10 – 30 vạn dân, chiều dài bến cảng có thể đến vài cây số với hậu phương rộng mở. Vịnh Chân Mây không những có điều kiện lý tưởng về địa lý mà còn thuận lợi về giao thông. Tiếp giáp đường Quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Việt; tiếp cận với đường hàng hải quốc tế và nội địa; cách sân bay Quốc tế Đà Nẵng và sân bay Quốc tế Phú Bài không quá 40 km; cách đường 9 khoảng 100 km về phía Nam, thuận lợi cho việc thông thương qua Lào, Thái Lan. Hệ thống liên lạc nối đến đường cáp quang, Viba, lưới điện quốc gia chỉ cách xa 5 km. Nước được lấy từ Nhà máy Nước Chân Mây cách 7 km và tương lai được bổ sung thêm từ Đập Thủy Yên, Thủy Cam.
Tính khả thi và ý nghĩa của dự án được các Bộ, ngành và chuyên gia nước ngoài đánh giá cao và Chính phủ đã rất quan tâm. Ngày 24/3/1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã cùng với các Bộ, ngành liên quan đi kiểm tra và thị sát thực tế. Sau chuyến thị sát, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng quy hoạch khu vực Chân Mây.
Từ tháng 5 đến tháng 11/1996, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt và sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, các Bộ, ngành liên quan, cùng với tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng quy hoạch chung cảng biển nước sâu và khu công nghiệp – thương mại quốc tế – du lịch Chân Mây, với nhiều hạng mục quan trọng để trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ.
Đến ngày 27/12/1996, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng quy hoạch chung đô thị mới Chân Mây tại Quyết định số 996/QĐ-TTg. Trong đó, Cảng Chân Mây được ưu tiên đầu tư với vai trò là công trình mang tính chất đột phá để thúc đẩy sự phát triển Khu đô thị mới Chân Mây với chức năng là cửa ngõ thông ra biển Đông thuận lợi nhất của hành lang kinh tế Đông – Tây qua cửa khẩu Lao Bảo.
Cùng với đó, những công trình đầu tiên chuẩn bị cho việc ra đời Cảng Chân Mây đã được triển khai do Ban quản lý dự án Biển Đông, Bộ Giao thông – Vận tải làm chủ đầu tư như: Công trình đường nối Quốc lộ 1A – Cảng Chân Mây (khởi công vào ngày 07/8/1997); Dự án tiền khả thi Cảng Chân Mây, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Công văn số 4633/KTN ngày 17/9/1997 để tiến hành các bước tiếp theo.
Về phía tỉnh, với phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, tuy với nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp nhưng cũng đã tranh thủ được các nguồn vốn hỗ trợ mục tiêu của Trung ương nên nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật quan trọng bước đầu cũng đã được triển khai: Hệ thống cấp nước Chân Mây – giai đoạn 1, đường khu du lịch Lăng Cô, đường ven biển Cảnh Dương, di dời đường dây 110 KV tại Khu du lịch Lăng Cô…
Tuy vậy, việc tổ chức thực hiện dự án Cảng Chân Mây hết sức chậm trễ, kéo dài. Chẳng hạn, công trình đường nối Quốc lộ 1A – Cảng Chân Mây chỉ có 8km nhưng kéo dài tiến độ gần 4 năm mới hoàn thành; công trình Bến số 1 – Cảng Chân Mây do Ban quản lý dự án Biển Đông làm Chủ đầu tư do gặp trở lực xuất phát từ những suy nghĩ xa rời lợi ích của nhân dân và cạnh tranh lợi ích cục bộ từ nhiều phía nên không được bố trí vốn thực hiện kịp thời. Trong lúc đó, các cảng lân cận như Dung Quất (Quảng Ngãi), Vũng Áng (Hà Tĩnh) đều đã khởi công vào năm 1988. Trên địa bàn tỉnh thì tình hình cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy xi măng Luksvaxi, Long Thọ thường xuyên bị ách tắc do luồng vào Cảng Thuận An bị bồi lấp; tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn cũng không đạt yêu cầu theo chủ trương do không khai thác hết lợi thế tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản, du lịch; các sản phẩm trên địa bàn bị mất lợi thế cạnh tranh vì chi phí trung chuyển hàng hóa đến các cảng xa chiếm tỷ trọng quá lớn trong cơ cấu giá thành… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng đang tập trung nguồn lực cho một dự án nông nghiệp lớn với phạm vi đầu tư dàn trải trên khắp địa bàn toàn tỉnh.
Tình hình đó kéo dài đến năm 1999 thì tỉnh Thừa Thiên Huế bị cơn lũ lịch sử tàn phá nặng nề, gây nhiều đau thương, mất mát về người và của cho nhân dân; toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, hệ thống thông tin liên lạc hầu như bị tê liệt. UBND tỉnh đã có Báo cáo số 17/BC-UB ngày 12/11/1999 về tình hình thiệt hại do lũ lụt gây ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gửi Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành; trong đó, đề nghị sớm thẩm định Luận chứng KTKT Cảng Chân Mây để phục vụ vận tải biển trong điều kiện hệ thống giao thông đường không, đường bộ, đường sắt bị chia cắt do bão lụt.
Sau khi khắc phục cơ bản hậu quả của trận lũ lụt, đầu năm 2000, UBND tỉnh đã liên hệ với Công ty tư vấn Thiết kế Cảng – Đường thủy, đồng chí Nguyễn Ngọc Huệ lúc đó là Giám đốc Công ty (sau này Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và hiện nay là Chủ tịch Vinaline) đã đến khảo sát thực địa và có nhiều ý kiến tư vấn quan trọng.
Ngày 30/6/2000, UBND tỉnh có Công văn số 1494/CV-UB gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Tài chính xem xét cho tỉnh được đầu tư Bến số 1 – Cảng Chân Mây. Đề nghị này của UBND tỉnh đã được Trung ương chấp thuận vào khoảng giữa đầu tháng 7/2000.
Dự án đã được Tổng công ty tư vấn Thiết kế Giao thông – Vận tải, mà trực tiếp là Công ty tư vấn Thiết kế Cảng – Đường thủy khẩn trương triển khai với các đồng chí Lương Phương Hợp – Giám đốc Tedi Port (nay là Phó Tổng Giám đốc TEDI, Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Tedi Port, Nguyễn Văn Tiễn – Trưởng phòng Cảng – Tedi Port (nay là Giám đốc Tedi Port), Lê Mỹ Hạnh – Phó phòng Cảng – Tedi Port. Ban quản lý các dự án đô thị mới Chân Mây do đồng chí Nguyễn Văn Mễ – Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban, Nguyễn Hữu Thọ – Phó Trưởng ban Thường trực cùng một số cán bộ, công nhân viên (Ngô Viết Thông, Đặng Phúc Hiền, Lê Loan, Trương Sơn, Tôn Nữ Huỳnh Phương, Trương Đình Vĩnh) tích cực triển khai các khâu thẩm định hồ sơ, chỉ định thầu, đấu thầu xây lắp, thiết bị… Chỉ sau hơn 6 tháng chuẩn bị, công trình đã được khởi công vào ngày 25/3/2001.
Quá trình chuẩn bị thi công cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại, do điều kiện hạ tầng kỹ thuật hạn chế, lực lượng cán bộ quá mỏng (chỉ có 7 người), lại thêm mưa to, gió lớn bất ngờ ập đến nên mọi người phải làm việc thâu đêm suốt sáng để kịp tổ chức lễ khởi công vào lúc 8 giờ, ngày 25/3/2001.
Sau 2 năm xúc tiến thi công, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở, ban, ngành; với ý chí tập trung, nỗ lực phấn đấu không ngừng của đội ngũ trực tiếp thực hiện dự án, cùng nhiều giải pháp sáng tạo, hữu hiệu, mọi khó khăn đều đã vượt qua, Bến số 1 – Cảng Chân Mây đã được hoàn thành. Vào ngày 19/5/2003, dưới cờ hoa rực rỡ, người dân Lộc Vĩnh và các xã trong khu vực nô nức về chứng kiến sự kiện khánh thành Bến số 1 – Cảng Chân Mây như ngày lễ của chính mình. Trời Chân Mây hôm ấy trong xanh, mát dịu, báo hiệu sự hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Quyết định công bố kịp thời của Cục Hàng hải Việt Nam cho phép Bến số 1 – Cảng Chân Mây tiếp nhận tàu biển trong nước và quốc tế có trọng tải đến 30.000 DWT, tạo tiền đề cho những bước đi đầu tiên của một bến cảng non trẻ, mở ra nhiều hứa hẹn về một giai đoạn mới cho tỉnh Thừa Thiên Huế và cho vùng đất Chân Mây anh dũng, kiên cường.
Sự ra đời của Cảng Chân Mây đã đánh thức vùng Chân Mây – Lăng Cô vốn dĩ hết sức hoang sơ. Sau đó, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cũng được trung ương và tỉnh tập trung đầu tư, càng làm rõ hơn lợi thế của vùng đất này. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý Dự án Chân Mây lập đề án thành lập Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.
Hình ảnh các thiết bị khai thác tối đa công suất của cảng Chân Mây
10 năm mới bấy nhiêu ngày…
Cũng xin được nói thêm đôi điều về việc chọn vị trí xây dựng Bến số 1 – Cảng Chân Mây. Có rất nhiều ý kiến về vị trí, cao trình, môi trường nhiễm xạ… nhiều lúc trở thành những cuộc “đấu khẩu” trong dư luận. Tuy vậy, thực tế đã trả lời với hơn 10 năm, trải qua những cơn bão lớn, những đợt gió mùa Đông – Bắc tăng cường mạnh, những sự cố hàng hải… nhưng Bến số 1 – Cảng Chân Mây trong điều kiện chưa có đê chắn sóng vẫn đứng vững, khai thác hiệu quả; 10 năm chưa hề duy tu nạo vét luồng tàu nhưng độ sâu vẫn đảm bảo cho tàu 50.000 DWT cập bến. Điều đó khẳng định việc chọn vị trí xây dựng Bến số 1 – Cảng Chân Mây là hết sức hợp lý; đồng thời, đó cũng là câu trả lời đầy đủ ý nghĩa về chất lượng của công tác tư vấn, chất lượng thi công, chất lượng giám sát; trách nhiệm và hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành quản lý dự án.
Bên cạnh việc quản lý điều hành dự án, việc đào tạo nhân lực cũng không hề đơn giản khi trên địa bàn tỉnh, lực lượng cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, điều hành cảng và công nhân xếp dỡ, thủy thủ, thuyền viên lúc bấy giờ đều rất hiếm. Trước tình hình đó, Ban quản lý dự án Chân Mây đã xin ý kiến của UBND tỉnh, tranh thủ sự hỗ trợ của đồng chí Trần Văn On – Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn. Vào đầu năm 2002, Ban QLDA Chân Mây đã tuyển dụng 70 người có trình độ kỹ sư, cao đẳng, trung cấp mới ra trường và lựa chọn học sinh vừa mới tốt nghiệp THPT để gửi đi đào tạo, thực tập tại Cảng Sài Gòn.
Lực lượng này đã tốt nghiệp vừa lúc Bến số 1 – Cảng Chân Mây khánh thành, cùng với Quyết định số 1048/QĐ-UB ngày 22/4/2003 của UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý dự án Chân Mây trực tiếp điều hành Cảng Chân Mây đã kịp thời đưa Bến số 1 – Cảng Chân Mây đi vào quản lý khai thác. Với tinh thần làm việc nhiệt tình của tuổi trẻ, kết hợp với phương thức vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm đã giúp đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân còn non trẻ về nghiệp vụ, chuyên môn vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “khai sơn, phá thạch”. Đến nay, lực lượng được thực tập tại Cảng Sài Gòn đang là những cán bộ chủ chốt của Công ty như: Huỳnh Văn Toàn – Phó Giám đốc Công ty, Lê Chí Phai – Giám đốc Xí nghiệp cung ứng DV Tàu biển, Nguyễn Thành Công – Trưởng phòng Thương vụ, Lê Thành Công – Trưởng phòng Kỹ thuật, Cái Quốc Phưởng – Phó phòng Kỹ thuật, Hồ Hoàng Bửu Chính – Phó phòng Kế hoạch Khai thác, Trần Thắng – Đội phó Đội Bảo trì… Đặc biệt là, hầu hết công nhân đã qua đào tạo tại Trường Công nhân Kỹ thuật Cảng Sài Gòn đều nắm vững kiến thức, giỏi tay nghề, đảm đương những vị trí đội trưởng, ca trưởng, ca phó, tổ trưởng chủ chốt của Cảng Chân Mây. Từ đó, đã đào tạo, kèm cặp nhân rộng đội ngũ công nhân xếp dỡ, lái cẩu tàu, cẩu bờ, giao nhận, nâng tổng số CBCNV Cảng Chân Mây hiện nay lên đến 264 người. Bên cạnh lực lượng được tiếp nhận để đào tạo, sự thành công của Cảng Chân Mây cũng đã có sự đóng góp quan trọng của rất nhiều đồng chí nhiệt huyết, mạnh dạn dấn thân, rời xa những thành phố lớn để đến thử sức ở vùng đất mới Chân Mây trong điều kiện giao thông cách trở với khoản tiền lương eo hẹp trong giai đoạn đầu.
Hình ảnh tàu dăm gỗ đang làm hàng tại cảng
Như vậy, Ban quản lý dự án Chân Mây với nhiệm vụ chính ban đầu chỉ là quản lý dự án đầu tư xây dựng, xúc tiến đầu tư, quản lý quy hoạch và lập đề án thành lập Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã kiêm luôn cả lĩnh vực quản lý, khai thác Cảng Chân Mây.
Ban quản lý dự án Chân Mây được thành lập vào ngày 06/11/1997 theo Quyết định số 2634/QĐ-UBND với tên gọi ban đầu là Ban quản lý các dự án Đô thị mới Chân Mây do đồng chí Nguyễn Văn Mễ – Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban, đồng chí Nguyễn Trung Sơn – nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban thường trực, cùng một số cán bộ khác. Ngày 15/4/1999, tôi được lãnh đạo tỉnh điều động từ Văn phòng UBND tỉnh sang giữ chức vụ Phó Trưởng ban. Đến ngày 01/11/1999, vào lúc 11 giờ 00, trong lúc trời mưa tầm tả như báo hiệu chuẩn bị cho cơn lũ cuối mùa, đồng chí Nguyễn Trung Sơn đã hoàn tất việc bàn giao Ban Quản lý các dự án Đô thị mới Chân Mây cho tôi để nghỉ hưu; từ đó, tôi thay đồng chí Sơn giữ chức Phó Trưởng ban thường trực. Biên bản ký nhận bàn giao chưa ráo mực thì Thừa Thiên Huế bị cơn lũ lịch sử tàn phá nặng nề. Sáng ngày 02/11/1999, nước tràn vào Văn phòng, cơ quan chỉ huy động được 4 người (tôi, Lê Loan, Ngô Viết Thông, Trương Đình Vĩnh) để dọn chuyển an toàn tất cả tài liệu, thiết bị lên cao. Đến cuối giờ chiều, trước cổng Văn phòng Ban QLDA Chân Mây ở đường Lê Lai, một chiếc xe zil 2 cầu của Công an bị ngập nước đến cabin, tài xế treo võng lên thùng xe để nằm, không thể ra đường vì nước ngập sâu và chảy xiết; bên trong văn phòng thì mực nước ngập đến gần 1m. Lúc đó, có người còn nói đùa rằng: “Khi nhận bàn giao mà nước vào là điềm may mắn!”. Và đúng là may mắn thật! Bởi sau đó, Thừa Thiên Huế được Trung ương quan tâm hỗ trợ nhiều hơn; trong đó, Dự án Bến số 1 – Cảng Chân Mây đã được Chính phủ hỗ trợ đến 60% tổng mức đầu tư, đó là khoản hỗ trợ ngân sách Trung ương lớn nhất cho một công trình do địa phương làm chủ đầu tư cho đến thời điểm đó.
Sau khi công trình Bến số 1 – Cảng Chân Mây khởi công, lực lượng cán bộ của Ban được tăng thêm: Hồ Hoàng Thi – CNQTKD, Trương Thái Bình – KTS, Nguyễn Văn Thạch Tuấn – Kỹ sư Cầu đường, Nguyễn Đắc Phước – Kỹ sư Đô thị, Phan Bằng Tường – Kỹ sư Khai thác Hàng hải, Huỳnh Văn Toàn – Kỹ sư cơ khí chế tạo, Trần Văn Phong – Cử nhân Kinh tế; và, Ban quản lý các dự án Đô thị mới Chân Mây được đổi tên thành Ban quản lý dự án Chân Mây theo Quyết định số 2014/QĐ-UB ngày 23/8/2001 của UBND tỉnh. Với chức năng được giao chủ yếu là chủ đầu tư các dự án đầu tư trên địa bàn Chân Mây – Lăng Cô, Ban quản lý dự án Chân Mây đã triển khai nhiều dự án về khảo sát địa hình, thủy hải văn, địa chất, quy hoạch, điều tra xã hội nhân văn và một số công trình lớn như: Nhà máy Nước Chân Mây, Hệ thống đường trục chính khu du lịch Lăng Cô, đường ven biển Cảnh Dương, Bến số 1 – Cảng Chân Mây. Quá trình thi công có những công trình kỹ thuật hết sức phức tạp, đòi hỏi tinh thần làm việc sâu sát, sáng tạo mới có thể hoàn thành và tiết kiệm được nhiều kinh phí như:
– Công trình Nhà máy Nước Chân Mây là công trình thiết kế lợi dụng công trình thủy điện cũ do Bogaert (chủ nhà máy Vôi Long Thọ) xây dựng tại Thừa Lưu vào những năm 30 của thế kỷ trước. Quá trình thi công Đập khe Mệ và kè ta luy dương của khu xử lý bị lưu lượng mưa quá lớn trong đợt lũ tụt từ ngày 01 – 05/11/1999 làm sạt lở. Ban quản lý dự án Chân Mây đã phải thay đổi vị trí xây đập khe Mệ đến vị trí mới hợp lý sau nhiều lần tranh luận với đơn vị tư vấn, tuyến đường lên khu xử lý nước phải thay đổi tuyến mới… Đến nay, sau hơn 11 năm đưa vào sử dụng, các hạng mục công trình vẫn hoạt động tốt, chất lượng nước đảm bảo, thể hiện qua việc được các tàu khách quốc tế kiểm nghiệm và sử dụng.
– Công trình Hệ thống đường trục chính khu du lịch Lăng Cô và đường ven biển Cảnh Dương cũng là những giải pháp kết cấu nền đường sáng tạo với lớp áo đường hai bên lề là cấp phối đồi, ở giữa là nền cát. Kết cấu này đã tiết kiệm được nhiều kinh phí do tận dụng được nền cát tại chỗ và nền cát ổn định nên qua hơn 10 năm sử dụng, nền đường vẫn tốt.
– Công trình Bến số 1 – Cảng Chân Mây là công trình cảng biển, điều kiện thi công phức tạp, Ban quản lý dự án Chân Mây với trách nhiệm của mình cũng đã đề xuất nhiều giải pháp sử dụng cát mịn tại chỗ, thay thế mũi cọc hợp lý so với thiết kế, đạt được độ chối theo yêu cầu, sáng kiến liên kết các phân đoạn, lợi dụng địa hình để thi công các bích neo bờ… Những giải pháp đó đã tiết kiệm hàng vài chục tỷ đồng trong điều kiện kinh phí hạn chế.
Ngoài những dự án đầu tư xây dựng, ngày 24/5/2005, UBND tỉnh đã có Công văn số 1380/UB-XD giao cho Ban Quản lý dự án Chân Mây phối hợp với Viện Chiến lược phát triển và các Vụ chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án thành lập Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô với phạm vi bao gồm khu vực thị trấn Lăng Cô, xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế, có diện tích 27.108 ha.
Sau gần 6 tháng khẩn trương phối hợp với Viện Chiến lược phát triển và xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan, Đề án Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động tại Quyết định số 04/2006/QĐ-TTg ngày 05/01/2006.
Sau khi thành lập lại, tổ chức bộ máy BQL Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Ban QLDA Chân Mây trở thành đơn vị trực thuộc BQL Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của Cảng Chân Mây.
Đầu năm 2007, căn cứ đề nghị của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam và sự nhất trí của UBND tỉnh, Chính phủ đã có chủ trương chuyển giao Cảng Chân Mây cho Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam tại Thông báo số 10/TB-VPCP ngày 12/01/2007 của Văn phòng Chính phủ. Sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, ngày 28/9/2007, Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam ban hành Quyết định số 3128/QĐ-CNT-TCCB-LĐ thành lập Công ty TNHH một thành viên Cảng Chân Mây. Công ty vừa mới được thành lập thì bước qua năm 2008, thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Trong hoàn cảnh đó, Cảng Chân Mây đã có những bước đi đúng đắn nên tốc độ tăng trưởng từ năm 2008 đến năm 2011 đạt bình quân hàng năm trên 25%.
Qua 10 năm đi vào hoạt động, từ khi còn là BQLDA Chân Mây – cơ quan chuyên môn của tỉnh Thừa Thiên Huế và đến nay hoạt động với mô hình doanh nghiệp, Công ty TNHH MTV Cảng Chân Mây – trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đó là: thực hiện thành công một trong 6 chương trình kinh tế trọng điểm của Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XII, hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Bến số 1 – Cảng Chân Mây – dự án mang tính chất đột phá để hình thành Khu kinh tế chân Mây – Lăng Cô; hình thành một số dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu ban đầu cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; trực tiếp xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án đầu tư, giải quyết nhiều công ăn việc làm và đóng góp nhiều cho ngân sách trên địa bàn như: các Nhà máy giấy xuất khẩu gỗ dăm, kho xăng dầu PV Oil, Kho nhựa đường của ADCO, Khách sạn Hương Giang – Lăng Cô, Thanh Tâm…
Cảng Chân Mây, sau 10 năm đi vào hoạt động, với chỉ một bến, đã tổ chức xếp dỡ gần 10 triệu tấn hàng hóa, đón 200.000 du khách quốc tế, thu hút được nhiều dự án đầu tư trên địa bàn và hiện đang phát huy hiệu quả đầu tư, các nhà máy xi măng trên địa bàn mạnh dạn tăng công suất và khởi động các dự án xi măng mới, kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cảng đạt gần 1 tỷ USD; đặc biệt là thông qua hoạt động, Cảng Chân Mây đã trực tiếp cũng như gián tiếp giải quyết công ăn việc làm từ 5 đến 7 vạn lao động cho nhân dân địa phương, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Sự đóng góp đó đã làm thay đổi diện mạo theo hướng tích cực cho một vùng đất mà thời kỳ 1995 – 1996, cả vùng Chân Mây – Lăng Cô gồm có 4 xã thì đã có 3 xã nghèo, tỷ lệ nhà 2 tầng chưa đến 2%, nhà mái bằng chưa vượt quá 5%.
Một số vấn đề đặt ra trong quá trình khai thác
Theo định hướng phát triển, KKT Chân Mây – Lăng Cô sẽ được quy hoạch trở thành một trong những trung tâm thương mại quốc tế lớn của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, bao gồm khu phi thuế quan và khu thuế quan. Các KCN sẽ được phát triển theo hướng chủ đạo là công nghiệp sạch, công nghiệp nhẹ, công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp phục vụ du lịch và dịch vụ bên cạnh dự án xây dựng khu đô thị mới hiện đại, phù hợp với điều kiện tự nhiên, gắn với việc bảo vệ, giữ gìn cảnh quan môi trường sinh thái (theo Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 10/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng KKT Chân Mây – Lăng Cô tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025). Về các mục tiêu phát triển, KKT Chân Mây – Lăng Cô sẽ là cầu nối Huế – Đà Nẵng thành một cực phát triển quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Các dự án được đầu tư để xây dựng khu đô thị mới Chân Mây, khu du lịch dịch vụ Lăng Cô trở thành một trong những trung tâm du lịch – dịch vụ của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước với khu công nghiệp, khu bảo thuế liền kề Cảng Chân Mây, tạo thành cửa ngõ quan trọng thông ra biển Đông của Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Tuy nhiên, quá trình khai thác cảng biển và đầu tư còn có nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết, đó là:
Trước hết, là thiếu cầu cảng cho hàng tổng hợp và bến chuyên dụng cho tàu khách, công trình hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh.
Từ năm 2010 đến nay, lượng khách du lịch tàu biển qua cảng Chân Mây tăng mạnh. Riêng năm 2012 đã có 33 tàu du lịch qua cảng, với hơn 40.000 lượt khách và ngay từ những ngày đầu năm 2013, cảng Chân Mây đã nhộn nhịp với sự xuất hiện thường xuyên của các đoàn tàu biển du lịch quốc tế sang trọng như: Celebrity Milenium, Cliper Odysey, Seven Seas Voyager, Nautica, Silver Shadow, Silver Whiper, Crystal Simphony… đưa hàng ngàn khách du lịch quốc tế đến tham quan các danh lam, thắng cảnh, di sản văn hóa tại Huế và miền Trung. Mặc dù chưa hoàn chỉnh các dịch vụ để đón và phục vụ khách, nhưng với độ sâu luồng tàu ổn định, cảng chỉ có 1 bến nhưng chiều dài bến đảm bảo, cùng với sự năng động trong khai thác, Cảng Chân Mây đã thu hút những hãng tàu du lịch lớn đến với cảng. Theo các công ty lữ hành, so với các điểm dừng chân của tàu biển quốc tế tại Việt Nam như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… thì Cảng Chân Mây là điểm đến có sức hấp dẫn riêng, với lợi thế là điểm giữa của thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế, trung điểm của các di sản văn hóa thế giới tại miền Trung như: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn… Lợi thế là vậy, nhưng cảng Chân Mây cũng gặp không ít khó khăn trong việc đón khách tàu biển. Trước hết, đó là sự bất cập về bến cảng đón khách đã tồn tại từ nhiều năm nay, do Cảng Chân Mây chưa có cảng bến chuyên dụng để phục vụ đón khách du lịch tàu biển mà chủ yếu đón khách du lịch đường biển qua cảng hàng hoá. Đây là một vấn đề nan giải, nhưng cũng khó giải quyết một sớm, một chiều mà cần phải có thời gian để xây dựng với những chiến lược cụ thể.
Những năm gần đây, Cảng Chân Mây là nơi có tần suất xuất và nhập hàng khá lớn trong khu vực miền Trung; trong đó, việc khai thác khách du lịch tàu biển khá hiệu quả. Tuy vậy, việc thi công tuyến đường ra cảng do Ban quản lý KKT Chân Mây Lăng – Cô quá chậm trễ và kéo dài tiến độ đã ảnh hưởng đến việc thu hút tàu khách du lịch quốc tế và không đảm bảo vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan chung của khu vực.
Thứ hai, công tác đầu tư còn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Việc xây dựng Bến số 2 của Cảng Chân Mây đã được hoạch định từ nhiều năm trước; tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đến nay Công ty TNHH MTV Cảng Chân Mây cũng mới chỉ triển khai phần khảo sát địa chất, thủy văn và đang chờ đợi sự thống nhất chủ trương từ lãnh đạo các cấp, các ngành. Để kịp phục vụ nhu cầu phát triển trong những năm sắp đến, đặc biệt là giai đoạn 2015 – 2020, nếu Bến số 2 không đầu tư ngay từ bây giờ sẽ không đáp ứng được nhu cầu hiện có và đang gia tăng phát triển.
Một trở ngại khác, đó là thiếu đê chắn sóng – một công trình đảm bảo an toàn cho luồng tàu ra vào cảng trong điều kiện cảng biển hở. Không có đê chắn sóng thì sự tồn tại sẽ bị đe dọa chứ chưa nói tới phát triển bền vững. Đó là chưa kể những khó khăn, thiệt hại cho chủ tàu, chủ hàng khi gặp phải thời tiết bất thường, biển động…
Mặc dù Chân Mây – Lăng Cô được xác định là Khu kinh tế động lực nhưng đầu tư của Nhà nước vẫn còn rất hạn chế. Sau 7 năm thành lập, tổng vốn đầu tư từ ngân sách chỉ đạt khoảng hơn 1.000 tỷ đồng cho tất cả các hạng mục, còn chưa bằng nguồn vốn đầu tư xây một cây cầu. Chính vì thế, hạ tầng của toàn KKT chưa được triển khai xây dựng đồng bộ. Điều đó không chỉ ảnh hưởng lớn tới hoạt động của Cảng Chân Mây, mà còn giảm sức thu hút đầu tư của toàn Khu kinh tế.
Thứ ba, cần sự chỉ đạo kiên quyết để đảm bảo an toàn hàng hải trên luồng tàu.
Kể từ cuối năm 2003, sau khi Cảng Chân Mây đi vào hoạt động thì tình hình đặt đáy rớ trái phép trên luồng tàu, khu nước Bến số 1 – Cảng Chân Mây bắt đầu xuất hiện. Trước đây, tình hình này chưa có ở địa phương. Nay không hiểu là do có đường ra vào, có bờ kè cảng che chắn hay do việc thả đá xây kè cảng đã thu hút tôm hùm vào nên ngư dân mạnh dạn ra vào vịnh bằng thuyền thúng. Tình trạng này hết sức nghiêm trọng, từ chỗ chỉ vài hộ đã phát triển lên đến 140 hộ ngư dân thả đáy, rớ gây cản trở lưu thông an toàn cho tàu thuyền và đã xảy ra nhiều sự cố, có những sự cố nghiêm trọng gây thiệt hại cho tàu biển và Cảng Chân Mây lên đến hàng triệu USD. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý tình trạng đặt đáy, rớ, ngư lưới cụ khu vực Cảng Chân Mây, do đồng chí Cái Vĩnh Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc làm Trưởng ban; thành viên là các ngành: Cảng vụ Thừa Thiên Huế, Cảng Chân Mây, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Thủy sản (cũ) và một số cơ quan của huyện Phú Lộc. Qua quá trình triển khai, vận động tích cực, hầu hết các hộ gia đình đã ký giấy cam kết không thả ngư lưới cụ ở vùng cảng, làm ảnh hưởng luồng lạch của tàu ra, tàu vào. Sau thời gian tạm yên ắng, việc khai thác, đặt ngư lưới cụ đánh bắt tôm hùm bông ở khu vực Cảng Chân Mây tiếp tục tái diễn. Tháng 11/2006, đồng chí Cái Vĩnh Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc (nay là Giám đốc Sở Nội vụ) đã kiên quyết tổ chức cưỡng chế, giải tỏa và thành lập bộ phận thường trực phối hợp với Cảng Chân Mây để theo dõi, tham mưu Ban Chỉ đạo xử lý. Do nhận thức của một bộ phận người dân còn thấp và lợi ích kinh tế từ việc đánh bắt thủy, hải sản trái phép tại khu vực này quá lớn nên tình hình trên vẫn cứ tiếp diễn. Năm 2012, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải, huyện Phú Lộc, Đội quản lý Đô thị huyện Phú Lộc và các cơ quan chức năng mà trực tiếp chỉ đạo là đồng chí Lê Trường Lưu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Ngô Văn Tuân – Giám đốc Sở Giao thông vận tải, tình hình ngư dân vi phạm thả đáy, rớ, đánh bắt tôm hùm con trong khu vực giới hạn luồng tàu, khu quay trở và khu đậu tàu đã giảm cơ bản. Tuy vậy, từ sau Tết nguyên đán Quý Tỵ năm 2013, đã tái diễn tình trạng đánh bắt trái phép, ảnh hưởng đến sự an toàn hàng hải của tàu thuyền ra vào cảng… Tình hình không biết đến bao giờ mới kết thúc để trả lại sự bình yên, an toàn cho luồng tàu Cảng Chân Mây.
Ông Nguyễn Hữu Thọ – Giám đốc công ty phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập cảng Cảng Chân Mây
Thay lời kết
10 năm là một chặng đường không quá dài, nhưng đó là khoảng thời gian ghi lại sự thành công từ một quyết định sáng suốt của tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện Phú Lộc và sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương giúp cho một vùng đất mà nguồn lực đang còn chất chứa, đầy tiềm năng. Mười năm đó, còn ghi lại sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, năng động, sáng tạo của những con người có sứ mệnh trực tiếp thực thi việc “khai thông nguồn lực với biển”. Hoạt động trong điều kiện hạ tầng chưa hoàn chỉnh, phải nhận một khoản nợ phi lý với lãi suất cao và áp lực chi phí khấu hao do giá trị tài sản tăng vì quan điểm bất đồng khi chuyển giao chủ sở hữu đã làm cho doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ nần, không có nguồn lực tích lũy để phát triển nhưng Công ty đã nỗ lực, phấn đấu, tổ chức khai thác hiệu quả, đưa Cảng Chân Mây từng bước trở thành một thương hiệu có uy tín về năng suất, chất lượng, xếp dỡ, dịch vụ cung ứng tàu biển và ngày càng đóng vai trò tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn Thừa Thiên Huế và khu vực…
Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn sơ khai, thành tích còn khiêm tốn so với tiềm năng sẵn có. Phía trước đang còn nhiều cơ hội rộng mở nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách. Mong rằng mọi khó khăn, trở ngại sẽ được lãnh đạo các cấp lắng nghe và quan tâm giải quyết để chúng ta có thể tiếp tục đón nhận những thời cơ, vận hội mới.
Cảng Chân Mây đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, trắc trở, bước qua thời kỳ non trẻ để sẵn sàng, tự tin hòa mình vào thị trường dịch vụ cảng biển. Hơn lúc nào hết hoặc sẽ để vuột mất thời cơ, chính lúc này đây, Cảng Chân Mây mong nhận được sự quan tâm và đầu tư cần thiết, kịp thời để xây dựng và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về xuất nhập khẩu hàng hóa, tiếp đón du khách quốc tế và đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn Thừa Thiên Huế cũng như Khu Kinh tế trọng điểm miền Trung; góp phần đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới như Kết luận 48 của Bộ Chính trị./.
Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng Chân Mây