Công đoàn TEDI tổ chức Hội nghị tập huấn công tác công đoàn nhiệm kỳ 2023-2028
Sáng 27/8, tại Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức Hội thảo về việc áp dụng công nghệ đo sâu RTK (Real Time Kinematic) trong công tác khảo sát đo đạc phục vụ thiết kế, nghiệm thu công trình nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước cảng biển. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã tới dự và chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo và chuyên viên các Vụ Khoa học công nghệ, Kết cấu hạ tầng giao thông, Tài chính, Hợp tác quốc tế; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ; Cục Hàng hải Việt Nam; Cục QLXD&CLCTGT; các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, miền Nam; các tư vấn Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển (PORTCOAST), Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB), Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng cảng – đường thuỷ (TEDIPORT), một số nhà thầu…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chủ trì tại Hội thảo
Tại Hội thảo, đại diện Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, miền Nam, các tư vấn Portcoast, CMB, TediPort… đã trình bày báo cáo, đánh giá ưu, nhược điểm của phương pháp đo RTK; đồng thời kiến nghị, đề xuất việc áp dụng công nghệ đo sâu RTK trong công tác khảo sát đo đạc phục vụ thiết kế, nghiệm thu công trình nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước cảng biển.
Theo báo cáo “Ứng dụng kỹ thuật đo RTK trong khảo sát độ sâu” của Xí nghiệp Khảo sát bảo đảm an toàn hàng hàng hải miền Bắc (HSD-North) thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, RTK là kỹ thuật đo động thời gian thực, bao gồm một số hợp trạm đo (trạm đo Base và trạm Rover). Trong kỹ thuật đo RTK, độ chính xác định vị có thể đạt từ cm đến dm. Để đạt độ chính xác dựa vào việc giải thành công tham số đa trị các trị đo pha ở ngay thời điểm đo phụ thuộc vào cấu hình của thiết bị, khoảng cách giữa trạm Base và trạm Rover, số lượng vệ tinh có thể quan sát cùng thời điểm và tốc độ di chuyển của tàu đo.
Qua quá trình khảo sát và kết quả khảo sát thực tế bằng phương pháp đo RTK trên một số đoạn luồng khu vực Hải Phòng của HSD-North cho thấy, ưu điểm của phương pháp là kỹ thuật RTK sử dụng trị đo pha, ít chịu ảnh hưởng của môi trường tuyền sóng hơn trị đo giả khoảng cách (giảm sai số phần dư) nên đạt độ chính xác cao; không sử dụng dữ liệu quan trắc mực nước, giảm sai số của quá trình quan trắc mực nước đến kết quả đo sâu. Tuy nhiên, nhược điểm là giới hạn về khoảng cách giữa trạm Base và trạm Rover; kinh phí đầu tư lớn; việc giải tham số đa trị phức tạp, yêu cầu khắt khe đối với điều kiện đo; thiết bị đo phải là máy thu 2 tần số và có độ chính xác cao.
Nguyên lý kỹ thuật đo RTK
Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đánh giá cao các cơ quan, đơn vị đã chuẩn bị tốt nội dung cho Hội thảo, nhiều ý kiến đã được trao đổi, thảo luận thẳng thắn, phần lớn quan điểm mang tính chất xây dựng, quyết định đến việc áp dụng công nghệ đo sâu RTK trong công tác khảo sát đo đạc phục vụ thiết kế, nghiệm thu công trình nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước cảng biển.
Qua các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định phương pháp RTK là công nghệ tiên tiến, có những ưu điểm vượt trội so với phương pháp đang sử dụng hiện nay (công nghệ đo DGPS) và thống nhất sử dụng ngay phương pháp này để phục vụ cho công tác khảo sát đo đạc, lập bản vẽ thiết kế thi công, lập dự toán, bàn giao mặt bằng, phục vụ công tác giám sát, công tác nghiệm thu công trình…
Về một số khiếm khuyết của phương pháp mới này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đề nghị các tư vấn Portcoast, CMB, TediPort làm việc với nhau, đề xuất giải pháp để khắc phục trước ngày 6/9/2014. Thứ trưởng đề nghị đối với các dự án hiện nay mà Bộ GTVT hoặc Cục Hàng hải Việt Nam đang làm chủ đầu tư thì áp dụng công nghệ đo sâu RTK, trường hợp Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo tư vấn nào mà tư vấn đó không làm được thì Cục Hàng hải Việt Nam tham mưu để chuyển cho tư vấn khác.
Xuân Nguyên
Nguồn: Website Bộ GTVT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN